Tạp chí Mẹ và Bé – Nỗi sợ cũng giống như một… bản năng tự hình thành trong bé. Vì thế, bạn đừng quá lo lắng khi thấy bé tỏ ra sợ hãi trước bất cứ điều gì. Hãy bình tĩnh và giúp bé vượt qua sợ sợ hãi ấy một cách nhẹ nhàng, bạn nhé.
Vì sao bé sợ?
Vì trí tưởng tượng phong phú: Ở giai đoạn này, khả năng tưởng tượng của trẻ đạt tới mức “đỉnh” và không thể “phanh” kịp. Trẻ luôn tưởng tượng về tất cả các “vấn đề” mà bé nhìn thấy hàng ngày và tin rằng đó là sự thật. Óc tưởng tượng của trẻ là vô cùng và không giới hạn. Thế giới xung quanh trẻ đang hiện ra một cách rực rỡ và đầy hình ảnh. Bé hay có cảm giác sợ hãi cho dù thực tế chẳng có sự đe dọa nào. Đơn giản, đó chỉ là những suy đoán, tưởng tượng hiện lên trong đầu bé mà thôi.
Vì tự cảm thấy mình bé nhỏ: Bé nhận thấy rằng, mình không thể chạy thật nhanh để thoát ra khỏi sự đe dọa đang rình rập, ví dụ như một con chó to, một đứa trẻ lớn hơn đang lè lưỡi trêu chọc bé. Bé nhận ra rằng bé không khỏe và không to lớn như rất nhiều người lớn hơn đang hiện hữu trước bé. Tự bé cảm thấy mình yếu đuối và nỗi sợ hãi vì thế cũng lớn dần lên.
Trẻ chưa thể phân biệt được thế giới thật và thế giới trong tưởng tượng khác nhau như thế nào. Những trò chơi giả vờ đôi khi khiến trẻ tưởng rằng đó là sự thật và òa khóc khi bạn đóng giả làm mụ phù thủy hay một gã khổng lồ để trêu chọc bé.
Trẻ có những định nghĩa về các đồ vật, sự việc rất khác người lớn, một phần cũng do khả năng tưởng tượng của mình. Việc trẻ tự con cái bóng của người khác giống như một… con quái vật, hoặc hình ảnh của một con mèo giống như một loài thú dữ dằn cũng là điều bình thường, bởi trẻ cảm thấy cái bóng thật khác lạ và to lớn, còn chú mèo thì cứ tỏ ra nghịch ngợm, luôn rình rập và nhảy bổ vào trẻ nếu thấy trẻ ngọ nguậy và khua khoắng tay chân.
Người lớn và trẻ con vốn dĩ đã rất khác nhau. Những vật thể mà bạn cho là bé nhỏ thì đối với trẻ, nó cực lớn và có hình dạng khá kỳ quặc. Điều này khiến trẻ có cảm giác sợ hãi trong khi người lớn lại thấy bình thường.
Phân loại nỗi sợ
Nỗi sợ cơ bản thường là sợ bị thua cuộc. Trẻ luôn muốn chiến thắng trong mọi “cuộc đấu”. Vì thế, khi thường trực nỗi sợ kiểu này, trẻ không muốn bị đặt trong một hoàn cảnh xa lạ và không sẵn sàng ở bất kỳ môi trường mới nào. Trẻ tự cảm nhận được rằng, đó là một thử thách khá khó khăn và không dễ vượt qua.
Nỗi sợ cũng có thể bắt nguồn từ việc sợ bị đánh mất tình yêu thương. Trẻ muốn được bạn quan tâm, lo lắng, âu yếm cả ngày. Trẻ sợ bị chia sẻ tình cảm khi có sự xuất hiện của một đứa trẻ khác. Trẻ sợ bạn bỏ trẻ một mình khi bạn đi làm, trẻ bám dính lấy bạn mỗi khi xuất hiện một người lạ mặt…
Một điều đáng ngạc nhiên là một số những con vật nhỏ tí xíu lại khiến trẻ cảm thấy sợ hãi hơn những con vật to lớn. Con nhện, con gián, con sâu, con dế,… đều có thể khiến bé run rẩy. Bé sợ, đôi khi vì tiếp nhận từ “phản ứng dây chuyền” của người lớn. Khi mẹ bé hét lên trong lúc dọn nhà vì nhìn thấy một con nhện thì sau đó, bé cũng cảm thấy khiếp sợ con vật ấy.
Động viên và khuyến khích
Nếu con bạn luôn tỏ ra yếu đuối và sợ hãi trước mọi vấn đề, hãy động viên con dũng cảm và cố gắng vượt qua nỗi sợ hãi. Không nên quát mắng mà phải trò chuyện với con một cách nhẹ nhàng, ân cần. Sự an ủi của bạn sẽ giúp bé tự tin hơn.
Hãy kể cho bé nghe nhiều câu chuyện về lòng dũng cảm. Sau mỗi câu chuyện ấy, cùng bé giúp ra những bài học để “ứng dụng” vào cuộc sống của mình.
Hà Vũ