Trí tưởng tượng không chỉ là một công cụ tuyệt vời mà nó còn đảm bảo rằng, trẻ sẽ không bao giờ hết ý tưởng trong cuộc sống hằng ngày…
Nhà bác học Einstein từng nói: “Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức”. Trên thực tế, trí tưởng tượng không chỉ là một công cụ tuyệt vời mà nó còn đảm bảo rằng, trẻ sẽ không bao giờ hết ý tưởng trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, không phải cha mẹ nào cũng biết cách giúp trẻ phát triển khả năng sáng tạo.
Mọi trẻ đều tiềm ẩn năng lực tư duy sáng tạo. Óc sáng tạo cũng chính là năng lực cốt lõi giúp trẻ thành công khi lớn lên… Tuy nhiên, để trẻ phát huy được tư duy sáng tạo thì phụ huynh cần có phương pháp khuyến khích, tương tác thích hợp.
“Thời điểm vàng”
Không ít phụ huynh cho rằng, trẻ em Mỹ thường rất tự tin, năng động, sáng tạo, hiểu được bản thân muốn gì và cần gì. Thực tế, khác với nhiều quốc gia trên thế giới, nền giáo dục của Mỹ chú trọng xây dựng nền tảng tư duy cho trẻ trước khi “bồi đắp” tri thức. Đây cũng chính là sự khác biệt rất lớn khiến Mỹ trở thành quốc gia có nhiều người thành công trong hầu hết các lĩnh vực như: Andrew Carnegie, Henry Ford, Oprah Winfrey, Bill Gates, Larry Page…
Trong khi đó, tâm lý của nhiều bố mẹ phương Đông nói chung và Việt Nam nói riêng là bao bọc, chăm sóc con nhiều nhất trong khả năng của mình. Phụ huynh có xu hướng mong muốn mang đến cho con những gì tốt nhất, nhưng kèm theo đó là cũng là sự kỳ vọng rất lớn ở trẻ.
Không chỉ vậy, các cha mẹ thường tập trung vào việc bồi dưỡng cho con thật nhiều kiến thức ngay từ những năm đầu đời. Thậm chí, các mẹ Việt thường quan tâm, hỏi han, chia sẻ với nhau nhiều về cách ép trẻ ăn nhiều, cao lớn, hay những nơi bán nhiều quần áo đẹp, nơi học đàn, học hát, viết chữ đẹp… để con “văn võ song toàn”.
Tuy nhiên, thực tế, chính việc chú trọng quá nhiều vào kiến thức ngay từ khi còn nhỏ sẽ ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển tố chất, kỹ năng tư duy, khả năng sáng tạo của trẻ. Trong khi đó, phụ huynh lại không biết rằng, kiến thức là thứ có thể học lúc nào cũng được, nhưng khả năng tư duy và sáng tạo thì không phải ai cũng giống ai.
Với những cha mẹ Mỹ thì ngược lại. Họ quan tâm nhiều hơn vào việc khuyến khích con tự do bộc lộ bản thân và học từ trải nghiệm. Tập trung vào khả năng tư duy giải quyết vấn đề và khơi nguồn sáng tạo của trẻ. Chính vì vậy, nhiều trẻ em Mỹ không chỉ độc lập trong cuộc sống, mà còn có khả năng tư duy, sáng tạo tuyệt vời.
Tư duy sáng tạo ở trẻ được hiểu là quá trình các em suy nghĩ, đưa ra những ý tưởng cho một vấn đề, sự kiện nào đó. Hoạt động này giúp trẻ vận dụng “vốn liếng” kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng giai đoạn đầu đời.
Bên cạnh đó, trẻ còn dùng trí tưởng tượng vô hạn của mình để tái tạo nên những giải pháp mới mẻ, đột phá nhằm giải quyết những vấn đề mà bản thân đang gặp phải.
Thực tế, tư duy sáng tạo không chỉ cần có ở những nhà khoa học, nghệ sĩ, nhà thiết kế… mà cần có ở mọi nhóm người, mọi tình huống và trong bất kỳ thời đại nào. Đặc biệt, trẻ có tư duy sáng tạo càng sớm, thì quá trình phát triển kỹ năng, lĩnh hội kiến thức càng thuận lợi hơn.
Tư duy sáng tạo được xem là một kỹ năng mềm quan trọng không thể thiếu trong bối cảnh hiện tại, khi con người đang bị đe dọa bởi trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật số… Kỹ năng này sẽ giúp con người tìm ra những hướng đi hiệu quả hơn cho các thách thức, cải tiến đời sống của mình.
Đặc biệt, với trẻ nhỏ, cha mẹ nên lưu ý ngay từ đầu rèn luyện cho con khả năng tư duy sáng tạo. Theo các chuyên gia, giai đoạn trẻ từ 3 – 6 tuổi được coi là “thời điểm vàng” để hoàn thiện trí não và hình thành, phát triển năng lực tư duy nền tảng. Thời điểm này vô cùng quan trọng để trẻ tiếp cận thế giới quanh mình. Do đó, việc phát triển tư duy sáng tạo đối với trẻ trong giai đoạn này vô cùng quan trọng.
Khi trẻ được khuyến khích trình bày ý kiến và quan điểm của mình, bé sẽ cải thiện kỹ năng phản biện và trình bày trước đám đông, hình thành sự tự tin. Nếu muốn con mình trở thành người thành công trong tương lai, thì ngoài những kiến thức có sẵn mà trẻ được học ở trên lớp, trong sách vở, cha mẹ cũng cần khuyến khích bé phát triển những điều mới mẻ cho riêng mình, nhằm khẳng định bản thân.
Trao quyền cho trẻ tự do sáng tạo
Theo chuyên viên chuyên môn Hồ Thị Thu Hương – Rồng Việt Education, để giúp trẻ khơi dậy mong muốn tự do sáng tạo, phụ huynh có thể đọc sách cùng con.
“Không chỉ đối với trẻ em, đọc sách là một thói quen tốt với cả người lớn. Sách giúp khơi dậy tư duy và trí tưởng tượng theo một cách mà phim ảnh không thể nào có được. Cha mẹ có thể giúp trẻ làm quen với việc đọc sách bằng cách đọc sách hoặc truyện cho trẻ nghe hằng ngày. Điều này sẽ giúp trẻ phát triển khả năng tư duy tưởng tượng và mở rộng thế giới quan của mình”, chuyên gia cho biết.
Khi trẻ lần đầu tiếp xúc với việc đọc, cha mẹ nên cho con bắt đầu với những loại sách ít chữ, có nhiều hình ảnh minh họa, mang tính hài hước và dễ thương. Nhờ đó, để trẻ làm quen với mặt chữ và tư duy tưởng tượng.
Bên cạnh đó, vẽ tranh cũng là một cách hiệu quả để trẻ thể hiện tự do sáng tạo của mình. Trí tưởng tượng và thế giới quan xung quanh trẻ sẽ được bé thể hiện trực tiếp thông qua các nét vẽ. Cha mẹ có thể cung cấp các loại giấy bút mang nhiều màu sắc sinh động và giúp con thể hiện kĩ năng quan sát thông qua các bức tranh.
Cũng giống với vẽ tranh, trẻ có thể thể hiện sự quan sát của mình với các sự vật xung quanh thông qua hoạt động tạo hình bằng đất nặn. Tạo hình bằng đất nặn giúp trẻ tăng tư duy tự do sáng tạo, khả năng quan sát và sự khéo léo của đôi tay. Tính chất đàn hồi và màu sắc đa dạng của đất nặn giúp trẻ tự do sáng tạo các sự vật theo trí tưởng tượng của mình.
Theo chuyên viên Thu Hương, cha mẹ nên lắng nghe, trò chuyện cùng trẻ thường xuyên. Giống như người lớn, trẻ em cũng có những suy nghĩ và lập luận của riêng mình. Cha mẹ nên thường xuyên lắng nghe và trò chuyện cùng trẻ, đặt ra những câu hỏi liên quan đến các hoạt động thường ngày của con. Đồng thời, lắng nghe trẻ kể chuyện và hiểu cách bé đang cảm nhận về những câu chuyện xung quanh mình.
Việc trò chuyện cùng trẻ thường xuyên cũng giúp bé có cơ hội đặt ra nhiều câu hỏi về thế giới xung quanh. Việc cha mẹ giúp trẻ giải quyết những câu hỏi ấy sẽ giúp con tăng tính tò mò, nâng cao khả năng tưởng tượng.
Bên cạnh đó, khi trẻ có những suy nghĩ, tưởng tượng khác biệt về thế giới quan xung quanh mình, dù suy nghĩ ấy có phi thực tế hay không, cha mẹ cũng không nên ngại dành cho con một lời khen, động viên. Tuy vậy, phụ huynh cũng nên lưu ý về vấn đề này. Việc khen thưởng có thể sẽ khuyến khích trẻ tiếp tục suy nghĩ và tự do sáng tạo của mình, nhưng cũng có thể giới hạn việc sáng tạo của trẻ. Bởi, trẻ có thể chỉ sáng tạo để muốn nhận lời khen thưởng và động viên từ cha mẹ.
Một phương pháp khác giúp trẻ khơi dậy tính sáng tạo là thường xuyên hoạt động thể chất.
“Không chỉ giúp trẻ tăng cường sức khỏe, các hoạt động thể chất cũng có liên hệ mật thiết với tính tư duy sáng tạo của trẻ, giúp phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn trí tuệ. Các môn thể thao không những cần sức khỏe mà còn cần cả tư duy sáng tạo mới mẻ. Việc hoạt động thể chất cũng giúp trẻ có một tinh thần thoải mái. Từ đó, kích thích não bộ hoạt động mạnh mẽ hơn”, chuyên viên Thu Hương chia sẻ.
Phụ huynh cũng có thể để trẻ tham quan, khám phá địa điểm mới. Bởi, việc để trẻ tiếp xúc nhiều hơn với môi trường mới, được quan sát và cọ sát với sự vật xung quanh luôn là một điều tốt. Nhờ du lịch và tham quan nhiều nơi, trẻ được phát triển trí tưởng tượng qua những hình ảnh và màu sắc, được cảm nhận văn hóa, cách ứng xử, con người và xã hội ở một địa điểm mới. Mở rộng tầm nhìn của bản thân cũng là cách giúp trẻ phát triển tư duy và suy nghĩ của mình tốt hơn.
Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể khuyến khích trẻ tham gia các môn học nghệ thuật. Theo chuyên viên Thu Hương, các môn học nghệ thuật là một phần quan trọng trong việc giúp trẻ phát triển tư duy sáng tạo. Ngoài việc học với chữ và các con số, những môn học nghệ thuật như mỹ thuật sáng tạo, đàn piano, cờ vua,… không chỉ giúp trẻ được thư giãn, giải trí, phát triển thể chất mà còn giúp rèn luyện tư duy, kĩ năng sống, phát triển tài năng.
Một số nghiên cứu cho thấy, khi tập trung sáng tạo, trẻ sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn và có sự “phát triển mạnh mẽ”. Vì vậy, tư duy sáng tạo được coi là “công cụ” giúp sức khỏe cảm xúc và não bộ của trẻ phát triển mạnh mẽ.