Phải nói ngay rằng việc nuôi dạy trẻ là công việc phức tạp, chính vì vậy mà không hề có một hướng dẫn hoàn hảo và cụ thể nào về việc này. Tuy nhiên, để trở thành người cha người mẹ tốt thì chính những người trong cuộc phải đọc nhiều sách báo, tư vấn, tham khảo những người xung quanh. Và càng tham khảo nhiều thì người ta lại càng khám phá ra nhiều điều chưa hợp lý, trong đó có 6 cách dạy trẻ dưới đây đôi khi lại “lợi bất cập hại”.
1. Cho trẻ quá nhiều
Phận làm cha mẹ ai cũng thương con, xuất phát từ ý nghĩ này mà nhiều người cố gắng làm hết sức mình để mang lại cho con “càng nhiều càng tốt”. Rất đa dạng, ví dụ mua cho trẻ nhiều đồ chơi, cho trẻ ngủ nhiều, chơi games suốt ngày,… Thậm chí có người còn cho rằng từ chối những yêu cầu của trẻ sẽ làm cho trẻ bị tổn thương, trẻ coi cha mẹ là “kẻ thù”, nhưng càng cho nhiều thì chính các bậc cha mẹ lại càng nhận lại ít và lâu ngày tạo ra những thói quen có hại và khó sửa, nhất là những đòi hỏi về vật chất, tiền bạc, hay cho trẻ tiếp xúc với tiền bạc quá sớm, quá vô tư.
Giải pháp: Các bậc cha mẹ hãy hạn chế việc “cho” và thỏa mãn nhu cầu cầu vật chất cho con trẻ. Ví dụ, hạn chế mua đồ chơi cho trẻ, chỉ giới hạn mua một số thứ trong khoảng thời gian nhất định. Nếu càng đồng ý với những yêu cầu vô lý này của trẻ nhỏ thì người cha người mẹ lại càng phải vất vả, làm việc nhiều hoặc phải tiết kiệm. Và xa hơn, trẻ sẽ không hiểu hết giá trị của đồng tiền, khi trưởng thành dễ mắc phải những tính xấu, xa rời thực tế.
2. Thiếu kỷ luật
Rất nhiều gia đình lơi lỏng tính kỷ luật. Ví dụ, con cái đi bắt nạt những đứa trẻ khác, không dạy con lại khen nịnh trẻ. Đây là việc làm thiếu suy nghĩ và lâu ngày sẽ tạo ra những thói xấu khó bỏ. Trong thực tế có những gia đình còn không biết phân biệt thế nào là đúng-sai trong việc áp dụng kỷ luật ở trẻ, không biết cách uốn nắn trẻ ngay từ khi còn bé nên lâu ngày sinh ra những hậu quả nghiêm trọng dẫn đến phạm pháp. Không biết ranh giới giữa điều thiện, điều ác hoặc xóa nhòa ranh giới này và vô tình làm hư trẻ ngay từ trong gia đình.
Giải pháp: Cần thiết lập quy tắc rõ ràng, nhất quán về tính kỷ cương trong việc nuôi dạy con cái. Nếu trẻ có những việc làm sai trái ở công cộng, ở lớp hay tại gia thì phải dạy bảo con điều hơn lẽ thiệt, nói cụ thể để trẻ hiểu đúng cái sai. Không nên đánh mắng trẻ trong khi ăn hoặc khi học bài. Nên chọn thời điểm thích hợp để răn dạy trẻ, giúp trẻ hiểu và dần dần đưa trẻ vào nề nếp, khi trẻ tiến bộ cũng không nên tiết kiệm lời mà không khen ngợi trẻ.
3. Luôn luôn bênh vực trẻ
Luôn luôn bênh trẻ hay đứng về phía trẻ cho dù trẻ sai. Ví dụ, trường hợp thày cô ở trường, hàng xóm phản ánh tính hư ở trẻ thì người cha người mẹ vẫn bênh con, đứng về phía trẻ và có những hành động thái quá, cực đoan. Thậm chí có người còn cố tình làm ngơ trước những sai trái của con, không có những việc làm tức thì. Và thậm chí còn cho con mình là nhất, coi việc sai trái là do phía bên kia hoặc con bị trù dập. Hậu quả việc hành xử này làm cho trẻ thêm hư, tiếp tục những việc làm sai và lâu ngày dễ dẫn đến phạm pháp và trở thành những công dân thiếu gương mẫu.
Giải pháp: Trường hợp thày cô, người chăm sóc con bạn phản ánh những nhược điểm của trẻ thì phải bình tĩnh, không nên giận dỗi, bênh con mà phải xem xét vấn đề cụ thể, tìm hiểu nguyên nhân đúng sai. Nếu đúng có thể góp ý trên tinh thần xây dựng. Nếu con sai (phần lớn là sai) thì không nên quá nặng nề, đánh mắng trẻ mà phải chọn thời thích hợp để phân tích trẻ hiểu. Làm được như vậy chính là giúp trẻ tiến bộ, yêu trẻ hơn chứ không phải ghét trẻ và quan trọng hơn là giúp trẻ cầu thị, sửa lỗi lầm với sự giúp đỡ tận tình của cha mẹ.
4. Cha mẹ thường đánh nhau trước mặt con cái
Một trong những cách sai lầm trong nuôi trẻ chính là các bậc cha mẹ thường đánh chửi nhau trước mặt con cái. Hành vi thiếu văn hóa này đã gây ra tác động tiêu cực đến sinh lý của trẻ. Những đứa trẻ phải chứng kiến cảnh này rất sợ, chạy trốn và dễ tìm đến những hành vi tiêu cực như nghiện ma túy, bỏ bễ việc học hành hoặc bỏ nhà đi bụi vì chúng thấy bị bỏ rơi, không ai thương chúng.
Giải pháp: Đối xử tình người, dân chủ với nhau kể cả khi không còn tình yêu, hoặc tránh không nên cãi đánh nhau trước mặt trẻ. Nếu trường hợp ly hôn cũng nên quan tâm chăm sóc trẻ trước tiên, tư vấn áp dụng một số liệu pháp tâm lý để giúp trẻ không bị sốc trong hoàn cảnh cha mẹ phải xa nhau, giúp trẻ hiểu sự thật để chúng sớm làm quen và tiếp nhận.
5. Thiếu gương mẫu
Cuộc sống vô vàn phức tạp, có những gia đình sống không hạnh phúc, không chỉ đánh chửi nhau mà còn có những cặp vợ chồng là “tấm gương mờ” cho con cái, xưng hô với nhau không khác gì những kẻ đầu đường xó chợ. Những việc làm của bố mẹ thực sự làm cho con cái phát sợ và lâu ngày hằn sâu trong tâm trí, tạo ra nếp nghĩ xấu, việc làm giống cha mẹ và lâu ngày dễ phạm pháp, hoặc trở thành những công dân xấu.
Giải pháp: Nên đối xử tình người, cư xử với nhau như một công dân, không nên quá tức bực, thóa mạ nhau để rồi con cái phải nhận hậu quả. Nếu quá căng thẳng nên giải thoát cho nhau, vừa có lợi cho cả 2 lại vừa có ích cho con cái.
6. Vai trò như một cái bóng
Một trong những sai lầm của thời kỳ hiện đại, hay thời kinh tế thị trường là cha mẹ chỉ như một cái bóng, không quan tâm đến con cái, đổ hết trách nhiệm nuôi dạy con cái cho ông bà, người thân hay bảo mẫu. Họ chọn lấy con đường khác là dùng tiền thay thế để giúp họ rảnh tay kiếm tiền hay hưởng thụ thú vui. Theo giới tâm lý thì trẻ rất cần tình yêu tình thương, tình “mẫu tử” nhưng ngay từ khi còn nhỏ trẻ đã bị cướp đi cơ hội này thì những nhận thức của trẻ về sau ít nhiều sẽ bị sai lệch, thậm chí còn rẽ sang một hướng khác mà người ta chưa lường hết.
Giải pháp: Theo giới tâm lý học thì dù bận đến đâu các bậc cha mẹ cũng nên dành thời gian cần thiết để chăm sóc con cái, nên làm bổn phận của người cha người mẹ, cả đêm lẫn ngày có như vậy mới giúp trẻ phát triển mối liên kết tình mẫu tử và phát triển những thiên hướng bẩm sinh và khắc phục những nhược điểm vốn có của con người. Đây là một phần quan trọng của cuộc đời, nuôi con, chăm sóc con cũng là một tiêu chí quan trọng làm tăng hạnh phúc và giúp người ta cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn.
Khắc Nam (Theo MDM-3/2013)