Bệnh đái tháo đường ở trẻ em

ThS. Lê Thị Hải – Viện Dinh Dưỡng Trung ương

Trước khi nói về bệnh bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) hay tiểu đường trẻ em chúng ta cần phải hiểu bệnh ĐTĐ là gì? Và có những thể loại nào?

Tạp chí Mẹ và Bé – ĐTĐ là một  nhóm các bệnh chuyển hoá có đặc điểm là tăng glucoza máu (đường máu), hậu quả của sự thiếu hụt bài tiết insulin (một hoóc môn của tuyến tụy điều hoà chuyển hoá đường máu), khiếm khuyến trong hoạt động của isulin. Tăng đường máu mạn tính dẫn đến sự hủy hoại, rối loạn chức năng của nhiều cơ quan nhất là mắt, thận, thần kinh, tim mạch, mạch máu.

Người ta chia ĐTĐ ra làm 2 loại :

–      ĐTĐ tuýp 1: là ĐTĐ phụ thuộc insulin, nguyên nhân là do cơ thể xuất hiện kháng thể hủy hoại các tế bào beta của tuyến tụy, làm cho cơ thể thiếu hoặc không có insulin trong máu, khi điều trị bắt buộc phải dùng insulin ngay từ khi mới phát hiện.

–      ĐTĐ tuýp 2: còn gọi là ĐTĐ không phụ thuộc insulin. Cơ thể vẫn sản xuất được insulin nhưng cơ thể xuất hiện kháng thể kháng lại isulin, làm insulin không có tác dụng trong điều hoà đường trong máu, gây tăng đường máu. Thể này hay gặp ở người thừa cân béo phì và người trên 40 tuổi.

Để chẩn đoán bệnh này thì cần phải xét nghiệm đường máu, khi lượng đường trong máu lúc đói ≥ 7mmol/l, hoặc có các triệu chứng của ĐTĐ và mức đường máu ở thời điểm bất kì ≥ 11,1mmol/l.

Như vậy bệnh ĐTĐ không nên gọi là bệnh tiểu đường nữa, vì khi xuất hiện đường trong nước tiểu thì bệnh  đã ở giai đoạn muộn xuất hiện nhiều biến chứng, nhiều ý kiến cho rằng nên gọi là bệnh tăng đường máu (tăng glucoza máu) thì đúng hơn.

Bệnh  đái tháo đường trẻ em  chủ yếu gặp ở tuýp 1. Nhưng hiện nay ĐTĐ tuýp 2 gia tăng ở trẻ em nhất là trẻ em ở các nước đang phát triển thuộc khu vực châu Á trong đó có Việt Nam. Đây là một thực trạng đáng lo ngại. Nguyên nhân chủ yếu là do gia tăng tỉ lệ trẻ thừa cân, béo phì. Ở nước ta chưa có những thống kê cụ thể nhưng một nghiên cứu ở Nhật Bản và Trung Quốc cho thấy tỉ lệ ĐTĐ tuýp 2/ tuýp 1 ở lứa tuổi học sinh trung học là 4/1. Những năm gần đây tại Bệnh viện nội tiết Trung ương đã tiếp nhận điều trị những cháu bé ĐTĐ tuýp 2 mới có 6 tuổi, các trẻ bị ĐTĐ tuýp này đều bị thừa cân béo phì.

Ở nước ta bệnh ĐTĐ ở trẻ em chiếm 7 – 8% tổng số bệnh nhân ĐTĐ, chủ yếu là ĐTĐ tuýp 1. Đây là một trong những bệnh nguy hiểm phổ biến nhất ở trẻ em, tỉ lệ mắc bệnh mới cao hơn những bệnh khác như ung thư, xơ cứng bì, viêm khớp dạng thấp hoặc loạn dưỡng cơ. ĐTĐ tuýp 1 là thể nặng của bệnh ĐTĐ, nếu không được điều trị dễ xảy ra các biến chứng nặng. Vì đây là bệnh tự miễn nên vấn đề phòng bệnh cấp 1 (phòng mắc bệnh) không được đặt ra, mà chủ yếu là phòng cấp 2 (phòng các biến chứng) của bệnh ĐTĐ tức là phải kiểm soát tốt lượng đường trong máu. Khi trẻ có các triệu chứng như đái nhiều, uống nhiều, sụt cân nhanh, hoặc các triệu chứng của nhiễm toan ceton nặng như mất nước, chán ăn, nôn, buồn bã cần phải được đi khám ngay để điều trị kịp thời.

Về điều trị bắt buộc phải dùng isulin theo chỉ định của bác sĩ, bên cạnh đó chế độ ăn và luyện tập đóng một vai trò hết sức quan trọng. Nhưng chế độ ăn phải tính đủ calo để duy trì được cân nặng lý tưởng của trẻ đảm bảo cho trẻ phát triển bình thường. Các bữa ăn nên chia nhỏ nhiều bữa trong ngày, nên chia 6 bữa: bữa sáng, bữa phụ sáng, bữa trưa, bữa phụ chiều, bữa tối, bữa phụ trước khi đi ngủ. Về thành phần các chất dinh dưỡng và tỉ lệ năng lượng của các chất sinh nhiệt như: chất đạm, chất béo, chất bột đường vẫn phải cân đối và hợp lý vì đây là lứa tuổi trẻ em, trẻ cần năng lượng cho sự phát triển cả về thể lực và trí tuệ. Vì thế vấn đề xây dựng chế độ ăn cần có sự phối hợp giữa các thầy thuốc chuyên khoa nội tiết và dinh dưỡng.

Vấn đề luyện tập cũng là một trong những biện pháp điều trị, nhưng ở ĐTĐ tuýp 1 mục đích luyện tập không phải là để tiêu hao năng lượng làm giảm cân, mà luyện tập là để làm tăng độ nhạy cảm của isulin (tăng tác dụng của isulin), tăng trương lực cơ. Luyện tập phải phù hợp với tình trạng sức khỏe và sở thích của trẻ, nên tập những môn rèn luyện sự dẻo dai, bền bỉ hơn là những môn cần sử dụng nhiều thể lực. Trong khi luyện tập nguồn năng lượng mất đi cần được bổ sung.

Vấn đề đáng lo ngại hiện nay là ĐTĐ tuýp 2 ở trẻ em ngày càng có xu hướng gia tăng do tỉ lệ trẻ bị thừa cân béo phì ngày càng nhiều. Khác với ĐTĐ tuýp 1, ĐTĐ tuýp 2 có thể phòng ngừa được nếu như kiểm soát được cân nặng của trẻ, tức là phòng ngừa thừa cân, béo phì ở trẻ em, nhất là ở các gia đình có người bị ĐTĐ tuýp 2 thì nguy cơ trẻ bị ĐTĐ là rất cao. Trước hết trẻ cần có chế độ ăn uống hợp lý, không ăn nhiều thực phẩm có chứa đường ngọt, các thực phẩm nhiều chất béo, các thực phẩm fast-food  thực phẩm ăn nhanh, chế biến sẵn): như gà KFC, khoai tây chiên, nước ngọt, bim bim, pa tê, xúc xích, lạp xường, bánh ngọt, kem, chè, … hạn chế các thức ăn chiên, rán. Nên tập cho trẻ có thói quen ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi ít ngọt, thức ăn luộc, hấp. Không nên ăn vặt, không ăn muộn sau 8h tối. Các thực phẩm nên cho trẻ ăn là thịt nạc, cá, tôm, cua ở mức vừa phải, ăn nhiều rau xanh, uống nước quả tươi không đường hoặc nước đun sôi để nguội. Vấn đề quan trọng là tăng cường cho trẻ vận động, tập thể dục thể thao, hạn chế xem tivi, chơi điện tử. Khi thấy trẻ tăng cân nhanh phải đưa đi khám để được tư vấn chế độ ăn và hướng dẫn chế độ luyện tập. Cha mẹ nên xóa bỏ quan niệm cho rằng trẻ mập mạp mới là khỏe mạnh. Một đứa trẻ khỏe mạnh là có cân nặng và chiều cao phát triển bình thường, trẻ nhanh hẹn hoạt bát thông minh, ưa hoạt động, chứ không phải là một đứa trẻ mập ú, ngồi lỳ một chỗ. Chính những đứa trẻ béo phì này có nguy cơ cao mắc bệnh ĐTĐ tuýp 2 và nhiều bệnh lý khác như: tăng huyếp áp, sỏi mật, ung thư, xương khớp… Vì sức khỏe và tương lai của trẻ, các bậc cha mẹ không nên để con mắc chứng bệnh béo phì cũng chính là phòng ngừa bệnh ĐTĐ tuýp 2 ở trẻ em.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *