H: Bé nhà em được 5 tháng rồi. Gần đây, bé thích ngủ úp sấp người xuống như con ếch, như vậy có ảnh hưởng gì không? Khi bé trườn nghịch bé hay bị đổ mồ hôi ở đầu, em lo là bé thiếu canxi, theo bác sĩ em có nên cho bé đi khám không? chipbong0309@yahoo.com
Đ: Trẻ nằm sấp hay ngửa khi ngủ là do thói quen của trẻ. Trẻ 5 tháng tuổi khi đã biết lẫy, trườn có thể thích nằm sấp hơn. Tuy nhiên, tư thế ngủ nằm sấp rất nguy hiểm cho trẻ dưới 1 tuổi vì nó có thể khiến bé bị ngạt thở, gây hội chứng đột tử ở trẻ nhỏ. Tư thế nằm ngửa an toàn hơn đối với sức khỏe của bé. Ban ngày, khi bé ngủ, người lớn nên điều chỉnh tư thế ngủ của bé sao cho phù hợp và an toàn nhất.
Bình thường, khi trẻ trườn nghịch, vận động nhiều sẽ ra nhiều mồ hôi. Trẻ bị còi xương cấp thường ra mồ hôi khi nằm ngủ hoặc không vận động nhiều. Mặc dù có thể trẻ không phải bị còi xương, chị vẫn nên cho trẻ đi khám sức khỏe định kỳ 1 tháng 1 lần.
H: Con gái em sinh thiếu tháng nên lúc sinh ra cháu cứ nhắm mắt ngủ lì lịt, gia đình thấy vậy lo lắng hỏi bác sĩ sao cháu cứ ngủ mà không thấy cháu khóc thì bác sĩ lấy tay bẹo vào má của cháu và cháu khóc. Thế là từ lúc chưa được 01 ngày tuổi đến nay chỗ tay bác sĩ bẹo vào má của cháu bị tụ máu dưới da. Người thì bảo sau này sẽ khỏi, người thì bảo vết đó không thể khỏi được mà càng ngày nó càng loang to. Gia đình em rất lo lắng. Vậy xin nhờ tạp chí Mẹ & Bé giúp em cho em biết em phải làm gì? Giờ con nhà em đã được 04 tháng tuổi. Em xin cảm ơn. minhthu_nn09@yahoo.com.vn
Đ: Nếu cháu bị bẹo vào má gây tụ máu dưới da từ 1 ngày tuổi thì đến 4 tháng tuổi khối tụ máu phải tiêu hết, trừ khi cháu vẫn tiếp tục bị tụ máu thêm. Nếu trẻ bị bệnh rối loạn đông máu thì có thể tụ máu mà không có va đập, sang chấn mạnh tại chỗ. Nếu má cháu vẫn còn sưng, tím thì chị nên đưa cháu đến khám bác sĩ chuyên khoa nhi, nơi có khả năng làm được siêu âm tại má bị sưng, xét nghiệm đông máu. Cháu đẻ thiếu tháng nên chị cũng nên đưa cháu đi khám chuyên khoa mắt để kiểm tra xem có bệnh lý mắt do đẻ non không?
H: Tại sao con em đã 7 tháng 11 ngày rồi mà vẫn chưa có chiếc răng nào? Có phải cháu thiếu canxi không? Lúc mới sinh cháu được 2,8kg giờ thì được 10,5kg và chiều cao của cháu là 68cm. Xin hỏi bác sĩ cháu nhà em có bị chậm mọc răng không và chiều cao, cân nặng so với độ tuổi như vậy là có ổn không? (Lê Anh Khoa, Ba Vì, Hà Tây)
Đ: Theo bảng chuẩn tăng trưởng mới công bố của Tổ chức Y tế thế giới, trẻ 6 tháng tuổi nam đạt 7,9 kg; nữ 7,3 kg và chiều cao nam là 67,6cm; nữ là 65,7cm. Anh không nói rõ cháu là nam hay nữ, nhưng so với chuẩn, con anh đã vượt mức tăng trưởng về cân nặng, và chiều cao trong giới hạn bình thường.
Không có mốc chính xác cho trẻ mọc răng. Trẻ thường mọc răng khi được 5 – 8 tháng tuổi. Trẻ mọc răng sớm hoặc muộn vài tháng là bình thường. Nhưng trẻ mọc chậm muộn hơn 1 tuổi là bất thường. Trẻ có tốc độ tăng trưởng bình thường, vận động bò, ngồi theo lứa tuổi thì trẻ chậm mọc răng không có gì đáng lo. Con anh có tốc độ cân nặng tốt nên nếu trẻ có các dấu hiệu khác của còi xương cấp, anh nên cho cháu tắm nắng ngày 15-20 phút.
H: Con tôi giờ đã 9 tháng rồi, ngày trước cháu ăn rất ngoan đút thìa nào cũng hết. Thời gian gần đây cháu bắt đầu biếng ăn mặc dù vợ tôi đã thay đổi món liên tục thế mà ăn cháu cứ ngậm. Hàng xóm thì bảo do cháu sắp mọc răng nhưng tình trạng này kéo dài đã 1 tháng nay khiến tôi rất lo lắng. Mong bác sĩ tư vấn giúp tôi. (Vũ Đức Anh, Sơn Tây, Hà Nội)
Đ: Ngậm thức ăn là thói quen rất xấu, khó bỏ của trẻ. Nó vừa làm trẻ thiếu dinh dưỡng, vừa làm trẻ dễ sâu răng từ nhỏ. Trẻ ngậm thức ăn lâu, men tiêu hóa của tuyến nước bọt chuyển hóa thức ăn thành đường, có vị ngọt làm trẻ càng thích ngậm hơn. Ăn thức ăn được xay nhuyễn kéo dài quá lâu sẽ hình thành thói quen lười nhai và trẻ sẽ ngậm thức ăn. Khi không chịu nhai, men tiêu hoá không được kích thích bài tiết đủ cũng là lý do khiến trẻ chán ăn, hay ngậm.
Để khắc phục tình trạng này, thức ăn phải được chế biến phù hợp với độ tuổi trẻ. Con của anh khi bắt đầu mọc răng sẽ có khoảng 3-5 ngày chán ăn do đau lợi. Mẹ cũng không nên ép trẻ ăn trong một bữa. Với những trẻ hay ăn ngậm, việc chia bữa nhỏ rất có ý nghĩa để trẻ cảm thấy thoải mái và lượng thức ăn cần trong một ngày vẫn được đưa vào đủ cho trẻ dù mất công sức, thời gian nhiều hơn. Khi trẻ ăn ngoan, cần khuyến khích trẻ. Đừng coi bữa ăn là cực hình của trẻ mà là thú vui. Ví dụ, cho trẻ ăn thi với trẻ khác nhưng đừng cho trẻ vừa ăn vừa chơi. Trong khi ăn, có thể thay đổi đồ ăn cho trẻ bằng cách thêm 1 thìa canh hoặc nước theo sở thích của trẻ. Anh chị nên chú ý vệ sinh miệng cho trẻ trong giai đoạn này. Có thể dùng gạc hoặc vải mềm, nhúng vào nước sạch, quấn quanh ngón tay, lau và massage nhẹ nhàng lợi cho trẻ. Luôn cho trẻ uống nước mỗi khi ăn hoặc uống sữa xong.