Bé bị ọc sữa

H: Con trai tôi được 10 tháng tuổi, ở các móng tay của cháu có những đốm màu trắng và bị xước măng rô, cháu cũng hay lên gân và nghiến răng. Đi khám bác sĩ nói cháu bị thiếu kẽm, canxi và vitamin D. Tôi đã cho cháu uống bổ sung các chất theo đơn bác sĩ kê. Hiện cháu vẫn lên gân, ra mồ hôi trộm và các đốm trắng ở móng tay vẫn còn. Tôi có nên cho cháu uống thêm canxi và kẽm không? Mong bác sĩ tư vấn giúp.(lananhtran82@gmail.com)
Đ: Chị không nói rõ là cháu đã uống thuốc theo đơn bác sĩ bao lâu rồi. Đúng là các biểu hiện của cháu có thể là do thiếu kẽm, thiếu vitamin C, vitamin D, và canxi. Các vi chất này cần phải được bổ sung trong thời gian dài bằng thuốc và chế độ ăn mới cải thiện các biểu hiện. Nghiến răng, hay lên gân có thể do trẻ ngủ không yên giấc, thiếu Vitamin D. Chị cần cho cháu “tắm nắng” hàng ngày, tăng cường ăn hải sản. Các đốm trắng trên móng tay phải chờ đến khi móng tay dài dần ra, cắt móng cũ đi để thay móng mới.

H: Con gái em được hơn 12 tháng tuổi nhưng từ lúc 1 tháng tuổi hai má cháu cứ ửng đỏ từng mảng, rất ngứa (cháu còn hay đưa tay lên gãi). Nhất là những hôm thời tiết thay đổi (gió mùa) cháu càng gãi nhiều hơn. Em nghĩ có thể cháu bị chàm sơ sinh. Em đã bôi cho cháu nhiều loại thuốc như thuốc nam, các loại kem dưỡng da cho trẻ em… nhưng không khỏi. Xin bác sĩ tư vấn giúp em cách chữa trị cho cháu. (phuong.dtt@vib.com.vn)
Đ: Theo như em mô tả, con gái em có thể bị chàm do dị ứng thời tiết. Các loại kem dưỡng da cho trẻ em không có tác dụng điều trị chàm. Nếu nhẹ, em có thể bôi thuốc Hồ nước cho cháu. Nếu không đỡ, em cần đi khám chuyên khoa Da liễu, các bác sĩ sẽ phải kê đơn cho cháu dùng các mỡ có Corticoid như Eumovate…

H: Bé của em được 8 ngày tuổi, do sữa mẹ chưa về (chỉ có khoảng 20ml mỗi ngày) nên em cho bé bú dặm sữa ngoài. Bé bú mỗi lần 60ml, cách nhau 3h. Sau khi cho bú em luôn đỡ bé dậy để ợ sữa nhưng không hiểu sao bé hay ọc ra một ít khi nằm xuống hoặc trong lúc ngủ. Em phải làm sao để khắc phục tình trạng này? (Hoàng Oanh, Hóc Môn, Tp.HCM)
Đ: Con em hay ọc sữa khi nằm hoặc trong lúc ngủ có thể là biểu hiện của bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản. Tuy nhiên, cháu còn quá nhỏ để khẳng định có phải là bệnh lý hay chỉ là vấn đề sinh lý bình thường. Hiện tại, em không nên ép trẻ ăn nếu trẻ đã no, chia nhỏ các bữa ăn theo nhu cầu của trẻ, không nên cho trẻ bú quá lâu. Sau khi cho ăn, em cho trẻ nằm nghiêng bên phải, hoặc kê nửa người phía trên hơi cao, hoặc bế trẻ ở tư thế đầu cao trong 15 phút. Nếu thay đổi cách cho trẻ ăn, tư thế trẻ sau ăn mà vẫn không cải thiện, em nên đưa con đi khám bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa nhi để xác định xem có phải trẻ bị bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản không để dùng thêm thuốc.

H: Bé nhà em được 8 tháng tuổi, từ lúc sinh ra cho đến bây giờ tóc bé rất ít, chỉ lưa thưa và vàng hoe nữa. Các cụ mách lấy lá trầu đem giã rồi bôi lên tóc, tóc sẽ đen và dày, em cũng làm theo nhưng chẳng thấy có tác dụng. Em muốn hỏi có cách nào làm tóc bé dày và đen không? (vì bé là bé gái mà) và có phải vì ít tóc nên bé hay ốm hay không? (Ma Thi Diễm Hương, Ban tuyên giáo Trà Lĩnh –  Cao Bằng)
Đ: Số lượng và màu tóc của bé tùy thuộc vào di truyền của bố mẹ, ông bà và dinh dưỡng của mẹ khi mang thai. Khi nhỏ, tóc của mẹ bé có thưa và vàng như bé không? Sau 1 tuổi, tóc bé dài hơn, em có thể cắt tóc ngắn cho bé để kích thích tóc mọc nhiều hơn. Nếu trẻ ít tóc và hay ốm, em nên xem lại chế độ của em khi mang thai và của bé có đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin và muối khoáng không? Nhiều trẻ khi nhỏ tóc rất ít, vàng hoe, nhưng có chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, sau này tóc vẫn dày và đẹp.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *