Phơi nắng cho bé

H. Mỗi sáng tôi đều phơi nắng cho con gái 9 tháng tuổi, nhưng vào mùa này nắng lên rất trễ, lại có quá nhiều nhà cao tầng nên khoảng 8h15 ánh nắng mặt trời mới rọi xuống sân và rất nóng. Vậy tôi có nên cho bé phơi nắng vào giờ đó không, hay tôi nên bổ xung thêm Canxi. Vitamin D cho bé rồi đợi tới mùa khác sẽ phơi sau. Trong số báo trước trong chuyên mục “Ý kiến chuyên gia” của tiến sĩ Xuân Tú có tư vấn cho bạn đọc phải cho em bé uống Vitamin D từ 1000 đến 1200 đơn vị/ngày, nhưng sao trên thị trường tôi không thấy bán loại Vitamin D loại nhỏ giọt mà chỉ có loại Vitamin D3 B.O.N 200 000 UI/1ml, sáu tháng uống 1 lần. Nếu uống loại này, bé có bị quá liều hay không. Bé bú hoàn toàn bằng sữa mẹ thì sẽ bị thiếu Canxi, D phải không bác sĩ. Bé ăn dặm rất khó, phải ép mới ăn, dù tôi biết là không nên ép nhưng nếu để tự nguyện bé lại không ăn, khi bé bú mẹ, đầu ra rất nhiều mồ hôi, chín tháng mà chưa mọc răng, lúc 2 đến 7 tháng tóc sau gáy rụng trắng da đầu, tôi lại bị thiếu Canxi huyết, liệu bé có bị còi xương không (bé nặng 8kg2 cao 70cm)? (Nguyễn Thị  Phương Duyên, 8 Hải Thượng Lãn Ông, Khu phố 1,  Chợ Liên Nghĩa,  Đức Trọng, Lâm Đồng)

Đ: Chỉ nên phơi nắng cho trẻ vào sáng sớm vì ít tia tử ngoại. Nắng mặt trời muộn rất nóng, nhiều tia gây hại cho da của trẻ. Nếu trẻ không được phơi nắng, chị nên bổ sung vitamin D cho trẻ hàng ngày theo khuyến cáo. Trên thị trường vẫn có loại Vitamin D nhỏ giọt. Loại Vitamin D3 B.O.N. chỉ cần uống 6 tháng / lần mà không gây ngộ độc cho trẻ khi điều trị dự phòng. Sữa mẹ không đủ Canxi, Vitamin D nhưng được kết hợp với tỉ lệ cân đối, dễ hấp thu tại ruột. Nếu trẻ bú mẹ mà không được phơi nắng sẽ có nguy cơ thiếu vitamin D. Các biểu hiện của trẻ mà chị mô tả có thể là biểu hiện của thiếu Vitamin D. Chị cần đưa con đến khám tại chuyên khoa dinh dưỡng tại Bệnh viện chuyên khoa nhi hoặc Viện dinh dưỡng để xác định xem trẻ vẫn còn thiếu Vitamin D và Canxi không. Nếu trẻ không thiếu mà chị vẫn cho uống vitamin D và Canxi có thể gây ra sỏi hệ tiết niệu sau này.

H. Bác sĩ cho em hỏi đường kính lưỡng đỉnh là gì và chu vi não của thai nhi tính bằng cách nào? Cảm ơn bác sĩ. hcongdat@gmail.com

Đ: Đường kính lưỡng đỉnh là đường kính lớn nhất đo ở mặt cắt ngang hộp sọ. Số đo qua siêu âm nơi lớn nhất từ trán ra gáy thai nhi. Là một trong số đo cơ bản giúp xác định tuổi thai, đánh giá phần nào sự bất thường của hệ thần kinh và sự phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, trong những trường hợp đầu thai nhi có hình dạng không tương đối trọn đều (quá dài hay quá bẹt) thì chu vi vòng đầu sẽ giúp đánh giá chính xác hơn.

H: Bé Kem nhà em mấy hôm trước bị sốt, sau khi hết sốt thì mặt mọc lấm tấm nốt đỏ. Mấy hôm sau lan khắp mặt và người. Em xem thì thấy không giống bị rôm. Em sốt ruột quá, không biết bé bị bệnh gì và phải cho bé uống gì? (Tôn Nữ Kim Ngân, Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, Hà Nội)

Đ: Sốt phát ban có thể là sởi hoặc Rubella. Sởi thường có biểu hiện sốt cao, kèm theo các biểu hiện ho, chảy mũi, mắt đỏ, chảy nước mắt. Theo như em mô tả thì con em bị sốt phát ban dạng sởi (Rubella). Bệnh Rubella thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 1 tuổi. Trẻ sốt khoảng 3-5 ngày. Khi hết sốt, sẽ nổi nhiều nốt mẩn màu hồng (phát ban) từ mặt đến thân người. Ban hồng, mịn, nhỏ, thường mọc đến chân thì bắt đầu bay. Bệnh do virus, diễn biến bệnh lành tính. Không cần điều trị gì, bệnh tự khỏi. Nếu sau khi phát ban mà trẻ sốt cao trở lại thì cần đưa trẻ đi khám bác sĩ.

H.Bé nhà tôi bị đi ngoài gần nửa tháng nay, đi lỏng và có dịch nhầy. Cháu không bị sốt, vẫn chịu ăn và chịu chơi, Đêm cháu ngủ bình thường, không quấy khóc. Mọi người thì bảo với tôi hiện tượng đó là do bé bị cam ruột. Xin cho hỏi cam ruột là bệnh gì? Chữa trị như thế nào? Và tôi có thể mua thuốc gì cho bé uống? Xin tư vấn giúp! Nguyễn Văn Đông – Hà Nội

Đ: Trong đông y gọi chứng cam (hay là suy dinh dưỡng) chứ tây y không có tên bệnh đó. Đông y cho rằng chứng cam là bệnh do ăn quá nhiều chất béo ngọt, không tiêu hóa được gây ra tổn thương tỳ vị. Theo mô tả của anh (chị), cháu bị tiêu hóa bất thường (phân nhày) từ nửa tháng nay nhưng không sốt. Phân của cháu có thể bị nhiễm khuẩn đường ruột hoặc kém hấp thu chất. Chị cần đưa con đi khám bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa nhi để xét nghiệm phân, tìm nguyên nhân để điều trị mới khỏi được. Anh (chị) không nên tự cho cháu uống thuốc khi chưa xác định rõ nguyên nhân.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *