BÍ QUYẾT GIỮ HOA TƯƠI LÂU

Tạp chí Mẹ và Bé – Chúng ta rất thích tặng hoa và còn thích thú hơn khi được tặng hoa. Nhưng chỉ sang ngày hôm sau, nhiều đóa hoa rực rỡ bỗng biến dạng trông như chiếc chổi cùn. Các chuyên gia về hoa tin chắc rằng với sự chăm sóc và tình thương yêu hằng ngày, ta có thể kéo dài tuổi thọ cho bó hoa, cho dù không phải là vĩnh cửu, nhưng chỉ ít cũng thêm được vài ngày. Vậy thì ta phải làm gì?

Quý cô cá tính

Loài hoa cũng giống như con người vậy. Cũng có loại cá tính mạnh, kẻ yếu, kẻ đỏng đảnh – hay khóc nhè, hoặc kẻ lãnh đạm. Cũng như chúng ta, loài hoa đôi khi không đội trời chung với một số “hàng xóm”, vì những giống đó tiết ra độc tố. Thí dụ, ta không nên cắm hoa tuy-líp cùng với hoa thủy tiên vì như vậy hoa tuy-líp sẽ chóng tàn. Để tránh điều này, người ta cắm hoa thủy tiên vừa được cắt khỏi cành vào một lọ riêng trong vòng một ngày. Sang ngày hôm sau, sau khi thay nước mới có thể yên tâm cắm hoa tuy-líp hoặc các loài hoa khác vào cùng. Trong số các loài hoa cũng có những “cô nàng” đỏng đảnh, phải dành riêng một lọ cho họ đấy. Đó là hoa cẩm chướng, hoa hồng, hoa ly …

Đấu tranh với stress

Các nhà bác học cho rằng, cây cỏ giống loài người đến mức có thể cảm nhận được “giây phút tận thế” của mình. Vì vậy, người ta cho rằng một trong những lý do những bông hoa bị cắt chóng héo là do  hoa bị stress khi bị lìa khỏi cành và nước một cách thô bạo. Các nhà thực vật học đã đo được những loài hoa bị cắt khỏi cành có “nhịp thở” không đều. Lúc đầu “nhịp thở” giảm đột ngột, sau đó ngay trước lúc héo, “nhịp thở” lại tăng đột biến. Nếu một ngày bạn nhận được một bó “đau khổ” như vậy, hãy giúp chúng thóat khỏi stress. Nếu bạn mang hoa từ ngoài phố giá lạnh vào căn phòng ấm cúng, cần cho hoa “làm quen” dần với nhiệt độ phòng bằng cách đặt chúng trên bệ cửa sổ một lúc.

Cắt bỏ phần thừa

Ngay khi đem bó hoa về nhà, cần phải chăm sóc tỉa tót ngay. Hãy cắt những gai nhọn, chỉ, giấy đóng gói, và nên cắt hết phần lá thừa phía dưới (phần sẽ bị cắm vào nước). Khi lá tiếp xúc với nước trong thời gian dài sẽ làm nước đục và sản sinh các vi khuẩn. Cần phải “làm mới” vết cắt dưới cành. Mỗi loại cành (mềm/cứng) cần sự chăm sóc riêng. Loại mềm cần được cắt khoảng 3-4 cm và cho một mẩu diêm vào nước cắm hoa. Như vậy sẽ giúp hút độ ẩm. Loại cứng cần dùng dao nhọn cắt chéo. Hoa cúc đại đóa cần dùng tay bẻ gẫy cành dưới. Còn hoa cẩm chướng thì nên cắt ở phần dưới đốt. Việc cắt cành cần được làm dưới nước (trong bát, chậu hoặc nồi). Dụng cụ cắt cần phải sạch và nhọn, còn nước phải ấm.

Chế độ chăm sóc đặc biệt (trước khi cắm vào lọ) cần được áp dụng cho những loài hoa có cành to, thí dụ như thược dược. Để loài hoa này sống lâu, cần bơm nước vào bên trong cành và dùng bông nút phía dưới lại. Còn cành hoa ly thì phải ngâm trong nước sôi tới 2 phút. Phần dưới cành của các loại hoa có dạng củ hành (tuy-líp, phong tín tử, thủy tiên) cần được cắt bỏ vì độ thấm nước kém. Phần dưới của thủy tiên, sẽ ngừng tiết ra chất nhờn nếu đem nhúng chúng vào nước 50 độ C. Với phần cành dưới của hoa thược dược, cúc có thể hơ nhanh trên lửa và chỉ sau đó mới nên cắm vào lọ. Để ngăn cánh hoa mẫu đơn rụng sớm, cần để những cành hoa vào chỗ lạnh và khô ráo trong vòng một ngày trước khi cắm vào lọ.

Cành tuy-líp khi mới được cắm vào nước thường rất dễ gẫy. Nếu bạn muốn hoa được tươi lâu, hãy cắm cành hoa trong tư thế “kìm kẹp” bởi một vật cứng nào đó trong một thời gian. Có thể dùng giấy quấn cho cành thẳng đứng. Hoa phong lan thường được bày bán theo cành nhét trong một ống nước nhỏ. Một số cửa hàng bán hoa cho biết, nếu cắm bằng nước thường, phong lan sẽ tươi lâu hơn… Hoa hồng thường được cắt gai trước, sau đó đến những chiếc lá te tua. Trước khi cắm vào lọ, bạn cần cắt chéo gốc hoa và tẽ chúng ra làm mấy phần hoặc dùng búa dập ( khoảng 2,5 cm).

Chọn lọ hoa

Chúng ta vừa tỉa tót cho bó hoa ở phần trên, nay chúng ta cần chọn lọ hoa cho tương xứng. Điều rất quan trọng là dụng cụ cắm hoa bao giờ cũng phải sạch tối đa. Để nước không bị đục, người ta khuyên nên chọn bình hoa màu sẫm. Nước để cắm hoa nên chọn nước sôi để nguội, nước đóng bình hoặc nước mưa. Cần chú ý để tất cả các cành hoa đều được cắm ngập nước. Vì trong bó hoa thường có nhiều loại ngắn dài khác nhau. Tỷ lệ nước trong lọ cũng rất quan trọng, ảnh hưởng đến độ tươi của hoa. Đối với hoa cúc đại đóa, hoa hồng, và tuy-líp thì chiều cao của nước là 10cm; đối với hoa cẩm chướng, hoa thủy tiên là từ 10-15cm. Những loài hoa họ hàng của thược dược cần được cắm trong lọ đầy ắp nước thì mới đảm bảo tuổi thọ dài lâu.

Cuộc sống ngọt ngào mới

Nếu bạn đổ nước vào lọ rồi lập tức quên hoa đi, đó là sự chểnh mảng không thể tha thứ. Hoa sẽ héo ngay, và chỗ của nó không phải ở trong lọ mà là ở bãi rác.

Để cứu loài hoa, việc đầu tiên cần làm là “làm ngọt” cho đóa hoa bằng cách cho thêm đường vào lọ. Công thức như sau: 1 thìa to đường cho 1 lít nước. Thành phần này sẽ giúp hoa cẩm chướng, hoa hồng, tuy-líp, cúc tây nở rộ. Bạn nên lưu ý rằng những cành hoa được cắt khi còn nụ sẽ cần nhiều đường hơn những bông đã hé nở. Để bảo vệ nước không bị nhiễm khuẩn, bạn cũng có thể cho thêm mấy miếng than, đồng tiền bạc (thìa hoặc nhẫn cũng được), hoặc cho một chút bột giặt vào lọ nước. Nhiều người cũng khuyên cho muối theo tỷ lệ 1 thìa cà phê muối tinh cho 1 lít nước. Chất kháng khuẩn tốt nhất vẫn là thuốc tím (0,003 gr/1 lít nước), thuốc aspirin (0,001gr hoặc 1 viên/1 lít nước). Thuốc aspirin đặc biệt tốt cho hoa thược dược, hoa hồng và hoa cúc đóa. Hoa thủy tiên và hoa tuy-líp hợp với thuốc tím. Những mẹo trên sẽ giúp để hoa được tươi lâu hơn.

Ngoài ra, cũng còn một vài cách nữa. Hoa tuy-líp thích lạnh. Vậy bạn nên bỏ thêm một vài miếng đá vào lọ hoa sẽ giúp hoa tươi lâu hơn. Hoa thược dược sẽ không phản đối nếu bạn nhỏ 3-4 giọt dấm vào lọ hoa. Hoa lay-ơn sẽ rất biết ơn nếu bạn cho thêm muối (1 thìa cà phê/1 lít nước) hoặc một vài giọt amô-niắc.

Trong các loài hoa, cũng có những kẻ “say khướt”. Thí dụ như hoa cúc tây. Hoa sẽ thấy dễ chịu khi nước trong lọ có chứa chất cồn. Chỉ có điều tỷ lệ rất vừa phải: 1 thìa cà phê/1 lít nước. Hoa phong lan cũng không từ chối “sống chung” với cồn. Bạn đừng tiếc vài giọt cồn, và để tỏ lòng biết ơn, hoa sẽ nở rộ cho vui mắt bạn thêm vài ngày nữa.

Quy định vệ sinh của hoa

Đa số các loài hoa cần được thay nước hàng ngày, rửa cuống hoa bằng nước xối, mỗi ngày cắt cuống khoảng 2 cm. Mỗi ngày phải rửa lọ hoa bằng xà phòng, sau đó tráng bằng thuốc tím. Khi màn đêm buông xuống, bạn phải bọc bông hoa lại bằng giấy và đặt bó hoa vào xô nước. Sáng ra bạn sẽ thấy bó hoa trông tươi tắn và lại sẵn sàng để được cắm lại vào lọ. Hoa phong lan sẽ tươi lâu hơn nếu bạn nhúng đầu hoa vào nước lạnh mỗi buổi tối. Những loài có bông mọc dọc theo cuống sẽ tươi lâu nếu bạn thường xuyên cắt bỏ những bông héo. Chính vì vậy, các bông ở trên cành sẽ nở đẹp hơn. Thỉnh thoảng, bạn cũng nên xịt nước từ trên xuống dưới bó hoa và dọc hai bên. Nên tránh xối nước trực tiếp vào cánh hoa. Hoa thủy tiên, cẩm chướng và hoa hồng cần được xịt nước vài lần trong ngày. Nhưng không phải hoa nào cũng thích như vậy. Hoa phong lan, sẽ bị ố hoặc cánh hoa sẽ bị quăn.

Nếu bó hoa trông hơi rủ, có thể ‘tái tạo” lại bằng cách ngắt bỏ bớt lá, cắt thêm một ít cành dưới nước, xịt nước lạnh, dùng giấy ẩm bó bông hoa lại và ngâm cả bó hoa trong xô chứa nước ấm trong vòng 2 tiếng. Hoa hồng và các loài hoa có cuống hoa cứng sẽ “hưởng ứng” tích cực với một số biện pháp “cứu sống” khác. Bạn lấy túi giấy bọc toàn bộ bó hoa, chỉ để chừa phần cuống và nhúng vào 1-2 phút vào nước sôi cao chừng 2,5 cm. Sau đó cắt cuống hoa (dưới nước) và cắm vào bình hoa với nhiệt độ trong nhà (cho 1 thìa cà phê cồn/1 lít nước). Những bông tuy-líp sau khi cắt khỏi gốc rất dễ héo, nhưng nếu thả cuống hoa vào nước nóng, chúng sẽ “lại người” rất nhanh.

 

Nơi đặ lọ hoa lý tưởng

Điều kiện tốt nhất là chỗ lạnh và sáng cách xa các công cụ sưởi ấm. Làm “hàng xóm” với bệ sưởi, ti vi và máy tính cũng rất phản cảm, vì vậy nóc ti vi là chỗ tối kỵ. Phòng càng lạnh thì tuổi thọ của bó hoa càng được lâu. Những bó hoa cũng không chịu nổi ánh sáng trực tiếp của ánh nắng. Chúng cũng dễ “hy sinh” bởi biến đổi nhiệt độ và gió lùa. Thêm một yếu tố độc hại cho hoa nữa là chất tiết ra từ những hoa quả chín. Nếu để một đĩa táo chín cạnh bình hoa, hoa sẽ héo rất nhanh. Những cánh hoa héo cũng tiết ra chất etilen khiến hoa chóng tàn, vì vậy ta nên loại bọ những cánh hoa héo và lá úa khỏi bó hoa.

Tuổi thọ không là vĩnh cửu

Vậy thì sao bao nhiêu khổ ải của chúng ta như vừa nêu trên, bó hoa sẽ làm ta vui mắt được mấy thì? Cúc đại đóa có thể trang hoàng cho căn nhà trong vòng 10 ngày, nếu được cắm trong bình nước thường và 20 ngày, nếu được cắm trong bình nước pha đường. Hoa lay-ơn chớm nở, hoa tuy-líp, hoa ly-ly, hoa quả chuông, hoa mẫu đơn có thể giữ được tươi tắn trong vòng 10 ngày. Hoa thược dược, hoa hồng có tuổi thọ  5-6 ngày, hoa cẩm chướng có thể cắm được 14-15 ngày, hoa ly để được đến 10 ngày.

 

Cách chọn hoa đúng

Cúc tây: Tất cả các bông nở đều

Hoa ly: Một số bông hé nở, nụ hoa thẫm màu, hoa không có nhụy vàng rơi vãi, lá không bị khô và không có các vết thâm.

Cẩm chướng: Khoảng một nửa số hoa chớm nở (trên mỗi cành có vài bông đã nở), nụ chắc và đầy đặn.

Thủy tiên: Nụ sẫm màu, chưa nở, hơi chúi về phía cành.

Cẩm chướng: Bát hoa phía dưới có màu xanh, lá tươi và xanh,  cuống dài, lá dưới cuống không bị ngắt, hoa chớm nở.

Mẫu đơn: Nụ trong các khóm hoa chớm nở.

Thược dược: Đa số các bông hoa nở, nhụy ở giữa màu xanh lá cây, không có phấn hoa.

Phong lan: Hoa nở hết cỡ, lá không héo, màu xanh tươi.

Lay-ơn: Một số bông đã nở, nụ thẫm màu, lá không héo và không có các vết thâm.

Cúc đại đóa: Hoa đã nở, nhụy hoa cứng, chắc và không bị quấn, lá không bị ngắt khỏi cành, cả lá và cành màu xanh lá cây thẫm, những chiếc lá ở dưới cứng và không bị rụng.

Tuy-líp: Nụ thẫm màu, lá không bị héo.

Hoa hồng: Đầu hoa tròn trịa, những chiếc lá non không bị rách, phía trên cành không có tì vết, nụ hé nở, trên cành có một vài chiếc lá màu xanh lá cây thẫm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *