8 MẸO “THẮT LƯNG BUỘC BỤNG”

Tạp chí Mẹ và Bé – Đi chợ

1. Nếu bạn không cần mua những thực phẩm tươi sống nên ra chợ vào lúc vãn buổi, khi mọi người lục tục chuẩn bị ra về, ai cũng muốn bán cho xong, nhất là những người chở hàng từ xa đến. Thường bao giờ trước và trong dịp lễ Tết hàng hóa cũng đắt đỏ, nhưng sau dịp đó hoặc vào ngày thứ hai đầu tuần giá thường rẻ hơn.

2. Mua thực phẩm trong những gói to bao giờ cũng có lợi hơn là mua lẻ. Tuy nhiên bạn cần lưu ý tới thời hạn bảo quản để khỏi lãng phí.

3. Khi bắt gặp những loại hàng rẻ “bất ngờ”, nên kiểm tra xem có bị quá hạn hay sắp hết hạn sử dụng hay không.

Trong siêu thị

4. Hầu như ai trong số chúng ta cũng có những lúc ghé vào siêu thị và mới chỉ nhìn ngắm đã hoa cả mắt, cái gì cũng muốn mua ngay. Nhưng bạn nên bình tâm một chút và suy ngẫm, có thật là các vật dụng đó cần thiết không thể thiếu được trong cuộc sống hay không? Tốt nhất là quay lại siêu thị sau vài ngày, khi những cảm xúc ban đầu đã “nguội”, và giờ đây chắc chắn bạn sẽ mua sắm một cách hợp lý hơn.

5. Nên giữ lại tất cả các hóa đơn mua hàng. Trong trường hợp bạn mua phải đồ có vấn đề về chất lượng, cũng như không hợp cỡ hay “lệch gu”, nếu còn giữ hóa đơn, bạn có thể hoàn lại mặt hàng hoặc đổi lấy mặt hàng khác.

Ở nhà

6. Kiểm tra kỹ lưỡng các hóa đơn thanh toán điện nước và các dịch vụ khác. Rất thường khi các công ty điện thoại hay dịch vụ nhà làm phiếu sai. Nếu số tiền đáng ngờ, không nên ngại ngùng gọi điện cho công ty và hỏi cho chính xác.

7. Tốt nhất là nên trả cước phí ngay khi bạn nhận được hóa đơn, chứ không đợi dịp nào thuận tiện, nhân thể ghé qua ngân hàng thì mới tiện thanh toán luôn. Những khoản tiền phải chi trả nếu cứ tích trữ ngày càng nhiều lên, bạn sẽ rơi vào tình trạng thâm hụt ngân quỹ trong tháng lúc nào không hay.

Hãy tính toán trước những chi phí sắp tới

Nên lập ra một danh sách những khoản cần chi trong vòng vài tháng tiếp theo, làm vậy bạn có thể lên kế hoạch chi tiêu gia đình một cách hợp lý.

·        Bạn cần mua một cuốn sổ ghi chép. Dành mỗi trang cho một tháng sắp tới và ghi vào đó những khoản dự kiến cần chi.

·        Đưa vào danh sách đó những khoản tiền bạn phải thanh toán cho ngân hàng như phần trăm cho khoản vay tín dụng nào đó, tiền bảo hiểm…

·        Đánh dấu các ngày sinh nhật của người thân và bạn bè, các ngày lễ như Quốc tế phụ nữ, năm mới. Trù tính xem bạn sẽ phải chi bao nhiêu tiền cho quà tặng. Mua quà từ trước bao giờ cũng tiết kiệm hơn là đợi tới ngày lễ mới cuống cuồng sắm cho bằng được.

·        Nếu đồ dùng nào đó trong nhà đã tới lúc phải sửa sang, cũng nên ghi khoản tiền dự tính cần chi, để tránh tới lúc phải mang ra hiệu mới lại lo tiền chi trả.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *