Tạp chí Mẹ và Bé – Năm hết tết đến cũng giống như 4 mùa luân chuyển Xuân, Hạ rồi Thu, Đông. Đó là quy luật của thời gian và thiên nhiên. Còn ẩm thực không biết là bắt nguồn từ đâu, từ ai, từ lúc nào nhưng nó cũng mang những quy luật riêng. Và trong số đó có cái nếp ăn bún ốc ngày Tết khá là thú vị. Bún ốc là một món ăn dân giã đã có từ rất lâu đời, lâu đến nỗi mà người ta còn hay gọi là bún ốc cổ. Đến ngày nay thì bún ốc cũng đã được biến tấu nhiều cho phù hợp với thói quen ăn uống của từng vùng miền nhưng nó vẫn không hề mất đi hương vị đặc trưng. Có nhiều ý kiến trái chiều khác nhau về việc tại sao lại ăn bún ốc đầu xuân, người thì cho là ăn ốc nói mò hay mang đến xui xẻo, nhưng người thì lại cho rằng con ốc tròn trịa tượng trưng cho sự viên mãn nên sẽ mang đến may mắn. Nhưng dù nói đi nói lại thế nào thì bún ốc trong những ngày đầu xuân vẫn là một món ăn rất được ưa thích.
Bún ốc sử dụng bún rối. Nước dùng (ninh xương lấy nước trong) có thể nóng hoặc nguội. Nồi nước dùng nóng có cà chua chưng đỏ khắp bề mặt; vị nước có dấm bỗng, hay gọi ngắn gọn là bỗng, tạo vị chua. Ốc vặn chọn con to vừa, luộc vừa chín, khêu ruột để sẵn trên bát. Ngon nhất là loại ốc mít, thoáng nhìn là biết ngay bởi cái trôn nó gần như bằng với vòng xoáy to nhất. Loại ốc này đầy thịt, thơm, giòn. Thứ nhì là ốc nứa, ốc này màu rêu xám, thịt hơi ngót hơn so với ốc mít nhưng ăn cũng… đã. Ăn bún ốc cần có ớt chưng, ăn cùng rau sống. Kể lại những năm cơm gạo tem phiếu, món ngon như món phở còn phải chịu cảnh “pha tạp” thành phở trâu, phở đậu, thậm chí phở “không người lái” thì món bún ốc vẫn cứ giữ nguyên được mùi vị, nguyên liệu để làm ra nó cũng không bớt đi được thức nào. Thế mới nói bún ốc còn mang trọn vị đậm đà của quê hương. Nhưng đến nay khi bún ốc trở thành món ăn phổ biến thì nó có thêm nhiều gia vị cho hợp với từng nơi, từng vùng. Người ta thích cho thêm chút mắm tôm và chưng mỡ cho dậy mùi và lạ miệng hơn, ngoài ra thì còn ăn kèm với đậu rán cắt nhỏ và riêu.
Bún ốc tưởng chừng là một món ăn đơn giản không cầu kì nhưng nó lại mang đến cho thực khách những cảm nhận khó quên. Cái vị chua thanh, ngọt dịu ấy thật dễ đi vào lòng người. Không chỉ vậy, từng miệng ốc dai giòn như tan ra trong miệng mang đến cảm giác thật thích thú. Có lẽ bởi vậy mà người ta chọn bún ốc làm món ăn cho những ngày đầu xuân sau khi đã chán ngán bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành. Đây quả là một sự lựa chọn tuyệt vời.
MẸO NẤU ĂN: BÍ QUYẾT LÀM SẠCH ỐC
Thịt ốc có thể chế biến được rất nhiều món ngon nhưng các bà nội trợ đôi khi còn e ngại vấn đề làm sạch ốc. Nhân tiện giới thiệu tới độc giả đôi điều về món bún ốc, kì này M&B sẽ nói về mẹo làm ốc sạch và hết nhớt.
Đầu tiên là phải chọn được ốc ngon. Muốn ngon thì phải chọn ốc sống vì ốc chết sẽ có mùi thối. Bạn có thể thử ốc chết bằng cách cho ốc vào chậu nước đầy, nếu đít ốc xoay lên trên, cầm thấy nhẹ thì đó chính là ốc chết. Sau đó muốn chọn được ốc to thì nên chọn con có mài nằm sát mép ngoài. Riêng ốc hương thì chọn con nhỏ mới ngon.
Tiếp theo là cách làm sạch ốc:
– Ngâm ốc trong nước gạo 2 – 3 tiếng hoặc cho vào nước ngâm ốc một ít ớt tươi, ốc sẽ nhả nhớt và chất bẩn. Những con ốc bươu, sau khi khều lấy thịt thì bạn nên bóp một chút muối hoặc giấm để làm ốc hết nhớt và mùi hôi.
– Đối với ốc bươu: khẽ cạy miệng ốc ra, lấy chiếc đũa đẩy thịt ốc vào trong một lúc rồi cầm con ốc vẩy mạnh thì ốc sẽ rơi ra hết, bỏ phần ốc bùn phía cuối. Sau đó lại bóp thịt ốc với giấm rồi rửa sạch lại bằng nước.
– Khi luộc ốc nên lót ở dưới 1 lớp lá chanh hoặc sả thì sẽ làm ốc hết mùi.
HẰNG NGA