Trong bộ bài học của tôi có một câu thế này: “Ngu nhất là sửa cái ngu và giỏi nhất là phát huy cái giỏi”, câu nói đó nghe có vẻ hơi ngang tai một tẹo nhưng đó lại là điều rất nhiều bà mẹ đang mắc phải trong việc định hướng cho con. Thấy con kém toán thế là đi học toán, còn con giỏi văn rồi nên không cần học văn gì thêm nữa. Tư tưởng “Xấu đều còn hơn tốt lỏi” không hiểu sao ảnh hưởng đến con em bây giờ nhiều như vậy. Các bà mẹ không biết rằng, cố gắng sửa cái yếu thì cố mấy cũng chỉ giúp con nhất trong hội kém, chỉ khi nào phát huy đúng cái mạnh mới giúp con xuất sắc được. Ví dụ như thế này để các bà mẹ hiểu hơn, con yếu võ, không có năng khiếu võ, các bà có cho đi học mấy đi nữa thì cùng lắm con cũng chỉ đạt được giải huyện. Muốn lên cấp tỉnh và cấp Quốc gia nhất định phải rèn đúng thế mạnh của con đó là môn cầu lông. Nhất trong đội “phọt phẹt” thì vẫn kém xa “phọt phẹt” trong đội nhất. Thế nên con mà có cái tài gì là các bà các mẹ cần mang đi rèn rũa ngay giúp tôi. Con mình vừa xuất sắc lên mà nó lại thấy sung sướng và hạnh phúc khi được làm đúng sở trưởng của nó. Điều mà các bậc bố mẹ như chúng ta cần nhất ở con chính là con hạnh phúc và xuất sắc chứ có cần gì hơn thế nữa đâu.
Tôi nhớ ai đó đã nói rằng “Sự vĩ đại là bình đẳng”. Ai cũng có những tài năng, tư chất nội trội của riêng mình. Chỉ có điều nó có được rèn rũa và được tạo điều kiện để thể hiện một cách rõ nét nhất hay không mà thôi. Tất nhiên với một số trường hợp đặc biệt, những tài năng đó bộc lộ rất rõ ràng ngay từ nhỏ, nó phát triển rất mạnh và được gọi là “thần đồng”. Con là “thần đồng” ở một lĩnh vực này thì ắt hẳn sẽ giảm bớt sự tập trung và thế mạnh ở những lĩnh vực khác. Điều này cũng giống như việc ta đi đường vậy, rẽ phải rồi thì thôi rẽ trái, làm việc A thì thôi việc B. Người nào cố làm cả A và B cùng lúc thì nhất định cả hai việc đó chẳng việc nào được “nên hồn” cả. Ông bà ta cũng đã dạy rồi: “Một nghề cho chín còn hơn chín nghề”. Con tôi mà là “thần đồng” ở một lĩnh vực gì đó, thì tôi ắt hẳn sung sướng và tự hào vô cùng. Tất nhiên tôi không đời nào lại đi tìm cách giảm “thần đồng” đó của con xuống bằng cách “Cào bằng san đều” tất cả khả năng của con, điều đó là có tội. “Thần đồng” cần được phát triển lên, và cần những định hướng lâu dài cho một “thần đồng” như vậy.
Có một dịp, tôi được đào tạo về kỹ năng sống cho một lớp học toàn những thần đồng. Đó là những em được giải vàng, giải bạc toán, lý, hóa… quốc tế. Các em vừa kết thúc lớp 12 và bước chân vào ngưỡng cửa đại học. Một số em trong đó đang cảm thấy rất chán nản vì không biết làm gì với Huy chương Vàng Toán quốc tế của mình, không biết bước tiếp theo của mình sẽ đi về đâu. Tôi nghe mà thấy buồn trong lòng. Nếu như ở nước ngoài, một cậu bé thi Toán quốc tế là vì đó là một mục tiêu trên con đường cậu ấy trở thành nhà toán học vĩ đại, thì ở nước ta, cậu bé mà tôi biết thi Toán quốc tế vì cậu ta học giỏi môn toán. Giá mà những “thần đồng” như vậy, được định hướng rõ ràng hơn về hoài bão, khát vọng tương lai của mình thì tốt biết bao. Để những “thần đồng” đó mang lại giá trị thực sự cho chính mình và cho xã hội nhiều hơn là những tấm huy chương. Con dao có sắc bén đến mấy mà không được đem ra dùng và mài rũa thường xuyên thì rồi cũng trở thành một con dao rỉ vô dụng.
Vậy là, ta nên tin rằng, trong mỗi đứa bé đều có một “thần đồng” đang ẩn chứa, việc “thần đồng” đó được thể hiện như thế nào tùy vào bản thân của đứa trẻ và một phần rất lớn là nằm ở bố mẹ, gia đình và môi trường giáo dục của trẻ. Phụ huynh không biết điều đó mà phát triển một cách đồng đều cho con là “vô tình gây tội”, khi mà phụ huynh biết mà vẫn ép con học đều các môn thì là “cố tình gây tội”, khung hình phạt cho tội “cố tình” lớn gấp nhiều lần so với tội “vô tình” đấy nhé, chắc các bậc phụ huynh đều rõ việc này. Nhưng cũng là nói vui vậy thôi, chứ tôi biết chắc rằng, bố mẹ nào cũng mong con mình có tài năng xuất sắc nổi trội hơn người, để ta được dịp rèn rũa cho con, định hướng cho con thành những “thần đồng” có hoài bão và khát khao, mang lại giá trị đích thực cho bản thân, gia đình và xã hội. Ai mà không mong con mình như vậy cơ chứ.