Tạp chí Mẹ và Bé – Ngoài những sản phẩm thông dụng gắn mác Made-in-Taiwan, thật bất ngờ đảo Đài Loan còn tiềm ẩn kho báu đáng kinh ngạc từ cảnh quan thiên nhiên, môi trường sinh thái đa dạng tới bản sắc văn hóa nhân văn đa sắc màu, đời sống văn học nghệ thuật truyền thống và hiện đại đặc sắc và văn hóa ẩm thực phong phú.
Sau gần 3 giờ bay từ Hà Nội, tôi đặt chân lên thành phố Đài Bắc, thủ phủ của đảo Đài Loan. Mặc dù đã nghe nhiều về sự phát triển của Đài Loan với tòa nhà 101 cao 509 mét, đã từng là công trình kiến trúc cao nhất thế giới tạo hình kiến trúc như cây tre trăm đốt vươn cao, tôi không khỏi bất ngờ về sự phát triển của thành phố này.
Cũng giống như nhiều thành phố khác ở Châu Á, Đài Bắc mới bắt đầu phát triển từ hai ba trăm năm gần đây. Khắp nơi phố lớn ngõ nhỏ đầy những quán trà truyền thống, các quán ăn, quán cafe và các nhà hàng sành điệu theo kiểu nước ngoài, các khu chợ đêm náo nhiệt, các khu trung tâm thương mại sầm uất không kém gì Băng Cốc, Hồng Kông hay Kuala Lumpur.
Tuy nhiên điểm thu hút nhất của Đài Bắc với tôi là Bảo tàng Cố Cung, một trong bốn bảo tàng lớn trên thế giới ngang tầm với Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan New York Mỹ, bảo tàng Louvre Pháp và Viện Bảo tàng Anh. Bảo tàng Cố Cung với hơn 5.000 năm tuổi mang giá trị văn hóa và văn vật lâu đời như chữ giáp cốt, đồ đồng, tranh gốm sứ cổ, sơn dầu, ngọc và các đồ điêu khắc tổng cộng có 62 món đã thể hiện rõ văn hóa Trung Hoa.
Từ trung tâm thành phố, tôi bắt xe bus 210 dừng ngay trước cửa bảo tàng. Theo con đường thẳng tắp với những bậc đá trắng xen lẫn cây xanh và dãy lan can đã chạm trổ tinh tế, tôi không khỏi sững sờ trước tòa bảo tàng sừng sững trên nền xanh thẳm của trời, xanh biếc của núi. Không chỉ vẻ bề ngoài hoành tráng, tôi đi từ ngạc nhiên này tới kinh ngạc khác bởi kho báu đồ sộ hơn 620.000 cổ vật vô giá chứa trong đó. Bộ sưu tập của bảo tàng Cố Cung gồm đủ mọi chất liệu quý hiếm được chế tác công phu, tinh xảo từ đồ đồng, đồ gốm sứ tới ngọc quý, ngà voi, từ những thẻ tre khắc chữ cả ngàn năm tuổi tới thư họa trên lụa và giấy, hay những tác phẩm điêu khắc tinh tế nhỏ li ti trên hạt gạo hay chỉ cỡ hạt gạo phải xem bằng kính lúp, … Chưa kể hàng trăm, hàng ngàn cổ vật mang đậm nét tôn giáo dùng trong các nghi lễ Phật giáo Tây Tạng. Trong kho tàng này có những di vật có tuổi thọ tới 3000 năm trước Công Nguyên.
Mặc dù khuôn viên Bảo tàng rất lớn nhưng cũng chỉ đủ trưng bày một phần nhỏ của kho báu có một không hai này. Vì vậy cứ ba tháng một lần, hơn 10.000 báu vật Trung Hoa lại được đổi chỗ để du khách chiêm ngưỡng phần khác của kho báu ngàn năm. Phía đông của bảo tàng Cố Cung là vườn Chí Thiện, có thể nhìn thấy cầu Lưu Thủy, lầu các Dương Minh Sơn, Bắc Đầu… Tôi rời bảo tàng trong sự tiếc nuối và ước mình có thêm vài ngày để chiêm ngưỡng báu vật hoàng cung.
Tôi đi tiếp qua khu vực phía Tây Đài Bắc phát triển sớm nhất, đến nay vẫn bảo tồn nhiều di tích lịch sử và kiến trúc cổ, trong đó có Chùa Long Sơn, Cung Bảo An và Miếu Khổng Tử (Văn Miếu) là trung tâm tín ngưỡng của nhiều người dân Đài Bắc. Ở đây có thể thấy diện mạo kiến trúc cổ xưa của các ngôi nhà trên đường phố Đài Bắc. Phố Địch Hóa từ xưa đến nay vẫn là nơi mua bán hàng tạp hóa Nam Bắc và thực phẩm truyền thống, mỗi khi tết đến nơi đây lại là nơi chuyên mua bán hàng tết. Cùng ở khu vực phía Tây Đài Bắc, Tây Môn Đỉnh là tâm điểm văn hóa của thanh thiếu niên Đài Loan. Ở đây có thể nghe các ca khúc thịnh hành nhất, xem các tiết mục biểu diễn hấp dẫn nhất, thưởng thức những bộ phim phát hành mới nhất, cuối tuần còn có biểu diễn ca nhạc hoặc biểu diễn nghệ thuật đường phố. Các cửa hàng trong ngõ bán đồ lưu niệm, quần áo và đồ trang sức lạ mắt, làm cho cả Tây Môn Đỉnh tràn ngập không khí ngày tết.
Rời khu phía Tây, tôi tới khu vực phía Đông Đài Bắc theo đường Trung Hiếu Đông tới Trung tâm thương mại Tín Nghĩa và Lương Đình nơi những con cá chép đủ màu sắc bơi lội dưới nước, mang những nét cổ kính của viên đình thời trung cổ là nơi tập trung rất nhiều tiệm áo cưới nổi tiếng và cửa hàng chụp ảnh cưới với vô vàn kiểu dáng quần áo, tạo hình, trang điểm phục vụ chụp ảnh ngoài trời. Khu này không chỉ thu hút khách hàng địa phương mà có rất nhiều khách hàng nước ngoài đến từ Hồng Kông, Australia, Nhật Bản,.. đến để lưu lại những kỉ niệm đẹp thời thanh xuân.
Tới trúng vào ngày nghỉ, tôi được tận mắt ngắm chợ đá ngọc lớn nhất của Đông Nam Á trên đường Kiến Quốc Nam Đài Bắc, nơi tập hợp rất nhiều các loại ngọc đẹp như ngọc khí, thủy tinh, đá quý, đồ cổ, đồ mỹ nghệ, du khách tới đây có thể thỏa mãn sở thích khám phá của mình và mua sắm.
Sau khi thăm thú cảnh quan và mua sắm, tôi bắt taxi (30 phút chạy xe) tới công viên quốc gia Dương Minh Sơn nơi có địa hình núi lửa, suối nước nóng và mỏ lưu huỳnh. Các suối nước nóng chính tập trung ở Bắc Đầu, dọc theo đường Hành Nghĩa có suối nước nóng Mã Táo cao hơn nhiều so với mực nước biển. Tắm nước khoáng nóng sảng khoái, massage thư giãn và thưởng thức một bữa ăn thịnh soạn đặc biệt với các món làm từ khoai môn nước trong vùng là trải nghiệm tôi không thể bỏ lỡ mỗi khi tới Đài Bắc. Đặc biệt, trong công viên quốc gia Dương Minh Sơn có rất nhiều danh lam thắng cảnh, với đồng cỏ xanh mướt Kình Thiên Cang, một điểm nóng cho những du khách muốn ngắm phong cảnh miền Bắc, núi lửa lưu huỳnh Tiểu Dầu Kháng bất chợt phun ra một dòng nham thạch có mùi lưu huỳnh nồng đặc.
—
Đi lại: Từ Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh Vietnam Airlines và China Airlines đều có 3 chuyến bay thẳng/ tuần.
Đức Hạnh