Tạp chí Mẹ và Bé – Câu ca ấy vốn chẳng phải là mới, từ ông cha của ông cha ta đã lấy đó như là một hình ảnh của một người chồng “đã mất hết khí khái của đàn ông”. Nhưng thời gian đổi thay và tôi có một anh hàng xóm mấy năm nay tối tối vẫn hát khúc ca “người chồng rửa bát”. Mà vừa rửa bát vừa huýt sáo nhé chứ không có chút gì là hậm hực, tức tối cả mới tài chứ. Nói về anh đàn ông trong khu phố đều trỏ ngón tay cái xuống dưới còn phụ nữ thì đều khen anh là mẫu hình người chồng lý tưởng.
Ôi chị em, thật không hiểu nổi, khi nói về đàn ông các cô vẫn nhắc đến những “mạnh mẽ”, “sexy” như là những giá trị tiêu biểu. Vậy có gì “mạnh mẽ”, có gì “sexy” trong việc đàn ông rửa bát cơ chứ?
Nói vậy thôi, theo ý kiến chung có những công việc thuộc về phụ nữ theo truyền thống cũng như có những việc khác mà chúng ta đều coi là nếu thuộc về phái mạnh sẽ là bình thường hơn. Nhưng mỗi gia đình mỗi khác, điều quan trọng là cùng nhau hướng tới việc tổ chức cuộc sống phù hợp nhất có thể được với những điều kiện hoàn cảnh riêng của các thành viên. Đâu phải trong khi tất cả phụ nữ trên thế giới chia động từ “đứng trong bếp” thì tất cả đàn ông đều đang “uống bia đọc báo trong phòng khách”? Có những ông chồng phải làm việc nặng nhọc trong ngày và về muộn, có những ông bố cho con học bài hay có những bác lại đang căng đầu suy nghĩ về ngày mai (liệu có phải sinh nhật hay 100 năm ngày cưới của một bà dì bên họ vợ không). Coi làm việc nội trợ là một tiêu chuẩn của người đàn ông yêu vợ và bởi vậy nếu bác nào muốn được tiếng yêu vợ thì phải làm việc nội trợ hàng ngày thì thật là một sai lầm. Nhưng khi có thể thì chẳng có gì cấm bác giúp vợ rửa bát cả. Mà đã có ai tự hỏi: Tại sao chúng ta kêu bất công về việc phụ nữ độc quyền nội trợ trong khi chúng ta mua đồ hàng cho bé gái và ô-tô công trường cho bé trai? Hãy để cho các bé lựa chọn các hoạt động mà mình thích và bố mẹ hãy tự bố trí phân công công việc sao cho phù hợp theo thời gian, điều kiện của mỗi người, mỗi ngày mà không cần phải lấy quan điểm chung xã hội ra làm thước đo đúng – sai.
SAO BẮC
“Sao anh có thể ngồi xem tivi trong khi em thì cả một núi việc, một việc cỏn con này anh cũng không làm cho em” tiếng vợ tôi vang lên từ dưới bếp khi tôi đang ngồi xem tivi cùng với các con, đứa lớn thì đang bày biện đủ thứ đồ hàng ra chơi, thằng bé 04 tháng tuổi đang kêu gào đòi ăn. Kể ra cũng thương cho vợ tôi hàng trăm công việc khi nghỉ ở nhà sinh bé, nào là cơm nước dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc tắm rửa cho con cái hàng trăm thứ việc cứ nối duôi nhau dài dằng dằng từ sáng tới tối khuya. Còn tôi chỉ việc đi làm kiếm tiền (một công việc vô cùng quan trọng trong cuộc sống.) về đến nhà ăn cơm, xem ti vi, chơi với con cái một lúc rồi đi ngủ rồi đi ngủ. Vợ tôi yêu cầu chia công việc để cả hai cùng gánh vác và tôi phải đảm nhiệm việc rửa bát. Công việc không có gì nặng nề nhưng vợ tôi phải biết rằng kể từ ngày vợ tôi mang bầu “cục vàng” là 9 tháng 10 ngày cộng với 04 tháng tròn kiêng cữ cho vợ tôi tổng cộng 810 bữa ăn là 810 lần phải rửa bát, chưa kể đến giặt quần áo, lau dọn nhà cửa, tắm cho con, cho con đi học……mấy ông bạn tôi gọi tôi là ông mặc quần thâm. Đến bây giờ ổn rồi, thằng cu đã lớn một chút vợ tôi cũng đi lại tốt rồi mà lại tròn tròn xinh xinh (do được bồi bổ) thế nên tôi phải trả lại mọi việc cho vợ tôi vì hai lý do: Thứ nhất để vợ tôi hoạt động cho gọn người, thứ hai để tôi lấy lại phong độ của mình để mấy thằng bạn không còn chê bai tôi nữa. Kể cũng thương vợ đấy nhưng dù vợ tôi có cằn nhằn gì đi chăng nữa tôi cũng dứt khoát nói rằng ” Rửa bát không phải việc của đàn ông”.