Dậy thì bao gồm sự tăng trưởng nhanh của cơ và xương, sự thay đổi hình dáng và kích thước cơ thể cùng với sự hình thành khả năng sinh sản. Những trẻ dậy thì sớm, trước 8 tuổi với bé gái và 9 tuổi với bé trai, có nguy cơ hạn chế chiều cao khi trưởng thành. Sự khác biệt với các bạn đồng lứa khiến trẻ dậy thì sớm cảm thấy khác biệt, tự ti, xấu hổ, thậm chí dẫn tới trầm cảm.
Đa số trẻ dậy thì sớm có biểu hiện đầu tiên là tăng nhanh về chiều cao, vượt trội so với các bạn cùng tuổi. Đây là triệu chứng rất khó phân biệt và dễ dẫn tới tâm lý chủ quan của bố mẹ do quan niệm nuôi con tại Việt Nam luôn mong muốn trẻ bụ bẫm, cao lớn vượt trội.
Bé Phương (Long Biên, Hà Nội) học lớp 2, cao 1m34 nặng 40kg, phát triển hơn so với bạn bè bằng tuổi. Tại BVĐK Tâm Anh Hà Nội, bác sĩ kiểm tra chỉ số BMI của Phương là 22,27 vẫn trong ngưỡng chỉ số bình thường nhưng bé gái thừa cân khá nhiều so với cân nặng chuẩn, chiều cao của bé ở mức 97th percentile, vượt ngưỡng chiều cao tiêu chuẩn so với trẻ cùng tuổi. Đặc biệt, tuyến vú của Phương phát triển độ II, núm vú nhô cao và có quầng vú lớn, vùng kín đã xuất hiện lông tơ. Kết quả Xquang xương cổ tay cho thấy mật độ xương tương đương trẻ 8,5 tuổi. Xét nghiệm nồng độ hormone sinh dục tăng ở mức giai đoạn đầu của dậy thì, kích thước tử cung – buồng trứng chưa tăng nhiều. Trẻ không có dấu hiệu thần kinh (như đau đầu, buồn nôn, nôn, nhìn mờ, liệt khu trú) hay các bất thường khác, và gia đình họ hàng không có trẻ nào dậy thì sớm.
Theo chia sẻ từ mẹ bé, chị mắc tiểu đường thai kỳ và sinh bé nặng 4kg. Phương bụ bẫm từ nhỏ, các chỉ số phát triển luôn tốt hơn các bạn cùng tuổi. Từ khi con bắt đầu đi học lớp 1, cân nặng và chiều cao bắt đầu tăng nhanh, ngực bé cũng phát triển nhưng chị chỉ nghĩ con hơi quá cân. Phương phát triển chiều cao tốt nên gia đình chỉ nghĩ con lớn nhanh hơn các bé khác.
Tiến sĩ, bác sĩ Lương Thị Thu Hiền – bác sĩ Nội tiết – di truyền – rối loạn chuyển hóa Nhi khoa, BVĐK Tâm Anh Hà Nội chia sẻ, các dấu hiệu dậy thì bao gồm: tăng chiều cao nhanh trong thời gian ngắn, các dấu hiệu phát triển sinh dục (tuyến vú ở bé gái và thể tích tinh hoàn ở bé trai), vùng kín xuất hiện lông mu, lông nách, mụn trứng cá, thay đổi tính khí, tăng tiết mùi cơ thể, có kinh nguyệt ở bé gái… Tuy nhiên, khi xuất hiện những biểu hiện này có thể quá trình phát triển dậy thì đã gần hoàn tất, khó cải thiện chiều cao. Trẻ dậy thì sớm sẽ có những thay đổi sinh lý và khủng hoảng tâm lý nhất định.
Các bậc phụ huynh nên chủ động phòng ngừa nguy cơ dậy thì sớm bằng việc kiểm soát các yếu tố dinh dưỡng, vận động, sàng lọc bệnh lý và xây dựng môi trường học tập và sinh hoạt lành mạnh. Nên theo dõi chỉ số phát triển thường xuyên 3 tháng/lần và đối chiếu theo bảng đánh giá chiều cao cân nặng chuẩn WHO.
Chế độ ăn của trẻ cần đa dạng phong phú, đầy đủ chất dinh dưỡng, tăng cường ăn rau củ quả, trái cây. Nên ưu tiên các loại rau quả theo mùa, hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn nhiều dầu mỡ, chất béo và đồ ăn có hàm lượng đường cao. Bố mẹ nên khuyến khích trẻ tập luyện thể dục thể thao ít nhất 45 phút mỗi ngày.
Không nên để trẻ sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính, ipad khi còn quá nhỏ và thời gian sử dụng quá lâu, hạn chế sử dụng thiết bị điện tử trước khi đi ngủ. Chú ý kiểm soát nội dung độc hại trên điện thoại, máy tính bảng có thể tác động xấu tới tâm lý của trẻ.
Trẻ bị béo phì, tiểu đường hoặc tiền tiểu đường, khối u ác tính tại tuyến yên, buồng trứng… có thể là nguyên nhân gây ra hiện tượng dậy thì sớm. Vì thế, trẻ cần được khám sàng lọc các bệnh lý bẩm sinh sớm từ khi sơ sinh và khám sức khỏe định kỳ nhằm loại bỏ các nguy cơ bệnh lý có thể dẫn tới dậy thì sớm.
Theo VTV