Tuy nhiên, tùy vào từng giai đoạn mà lượng muối cung cấp là khác nhau. Nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị cho người Việt Nam đã được Bộ Y tế phê duyệt ngày 16/6/2016, theo đó, nhu cầu về natri/muối cho trẻ nhỏ được khuyến nghị như sau:
Trẻ dưới 1 tuổi: Khi chế biến thức ăn dặm cho trẻ dưới 1 tuổi, các mẹ không nên cho muối, bởi thực tế trong một số thực phẩm hàng ngày như sữa, trứng, thịt, rau tươi… đều đã cung cấp đủ natri cho trẻ từ 6-12 tháng tuổi.
Trẻ 1-2 tuổi: Với trẻ ở lứa tuổi này, muối cần được tiêu thụ hàng ngày nhưng chỉ cần một lượng rất ít. Nếu tính cả lượng muối có trong nước mắm, nước chấm các loại, bột canh, hạt nêm và thực phẩm thì cơ thể trẻ 1-2 tuổi chỉ cần 2,3g/ngày.
Trong chế biến bữa ăn bổ sung cho trẻ 1-2 tuổi có thể sử dụng những gia vị mặn chứa natri nhưng với số lượng hợp lý (1,5g muối/ngày) vì một phần nhu cầu natri của trẻ đã được cung cấp từ các thực phẩm tự nhiên (10%) và thực phẩm chế biến sẵn (20%).
Trẻ từ 3 tuổi trở lên: Có thể ăn cùng gia đình, tuy nhiên các món ăn vẫn phải nhạt hơn so với khẩu vị của người lớn. Việc này để tránh tình trạng hình thành thói quen ăn mặn ở trẻ, gây ảnh hưởng đến sức khỏe sau này.
Hạt nêm
Có nhiều mẹ thường cho hạt nêm vào thức ăn cho trẻ ăn dặm vì cho rằng sẽ giúp món ăn của bé tăng độ thơm ngon, hấp dẫn và bổ sung thêm các chất dinh dưỡng từ thịt, cá, rau củ cho bé. Tuy nhiên việc sử dụng hạt nêm cho bé, nếu có, cần lưu ý:
– Chỉ nên bắt đầu cho thêm hạt nêm trong thực đơn ăn dặm cho bé từ 2 tuổi trở lên với liều lượng phù hợp. Trẻ dưới 1 tuổi không nên dùng và với trẻ 1-2 tuổi, nếu dùng phải dùng loại hạt nêm được chế biến 100% từ các loại thực phẩm tự nhiên mà trẻ có thể ăn được.
– Không nên sử dụng các loại hạt nêm thông thường mà nên sử dụng các hạt nêm từ rau củ hoặc hạt nêm từ thịt gà, thịt heo dành riêng cho bé.
Bột ngọt (mì chính)
Nhiều cha mẹ thường có thói quen thêm bột ngọt chế biến sẵn để giúp món ăn thêm ngon, ngọt, hấp dẫn. Tuy nhiên, cha mẹ không nên thêm loại gia vị này trong thực đơn ăn dặm của trẻ dưới 2-3 tuổi.
Nêm thêm quá nhiều bột ngọt hoặc các gia vị khác trong thức ăn có thể tạo thành thói quen ăn uống không lành mạnh cho trẻ, gây rối loạn vị giác và gián tiếp làm trẻ bị biếng ăn, chán ăn. Do chất glutamate có trong bột ngọt có thể gây ức chế thần kinh, đau đầu, co giật… Việc lạm dụng bột ngọt cũng có thể làm giảm khả năng hấp thụ canxi, tăng nguy cơ loãng xương sớm ở trẻ.
Lưu ý khi sử dụng gia vị cho bé ăn dặm
– Tránh thêm các chất tạo màu, tạo mùi nhân tạo trong thực đơn của trẻ.
– Trước khi cho trẻ ăn, cha mẹ vẫn nên nếm thử trước để bảo đảm món ăn không quá nhạt hoặc quá mặn.
– Có thể thêm một lượng nhỏ phô mai vào khẩu phần vì trong phô mai có chứa một lượng muối nhất định. Ngoài muối, phô mai còn chứa nhiều chất dinh dưỡng khác như vitamin A, vitamin D, kẽm, canxi…
– Chỉ nên cho trẻ sử dụng tối đa hai loại gia vị trong một món ăn.
– Nên tham khảo trước ý kiến của bác sĩ, chuyên gia dinh dưỡng trước khi thêm loại gia vị mới trong món ăn của trẻ, đặc biệt là các loại gia vị dễ gây dị ứng như hạt tiêu, ớt…
Theo Đại Đoàn Kết