Tôi không bất ngờ khi nghe câu chuyện về trải nghiệm kinh hoàng từ khóa tu mùa hè ở chùa Cự Đà. Bởi tôi cho rằng đó là chuyện tất yếu phải xảy ra.
Nhà chùa, nhất là một ngôi chùa làng, vốn dĩ không phải là môi trường phù hợp với việc ăn ở, sinh hoạt và học tập của trẻ em. Trong một môi trường tận dụng hạ tầng dành cho việc tu tập của những người tu hành để làm dịch vụ thì rất khó đảm bảo các yêu cầu, từ vệ sinh, đến an toàn. Việc những đứa trẻ ghi danh vào chùa tham gia các khóa tu mùa hè rất khác với chuyện các ngôi chùa trong truyền thuyết là nơi tham gia vào hoạt động giáo dục.
Khi tôi còn nhỏ, mùa hè cũng có những buổi lên chùa nghe sư thày dạy luân lý, kể chuyện đức Phật. Nhưng những buổi học ấy nó rất khác với những khóa tu. Bởi chùa là chùa làng, sư thày như một người hàng xóm, thân quen với gia đình, làng mạc nơi tôi ở. Bởi bạn đồng tu của tôi là những người anh em, là bạn cùng xóm, có khi cùng họ.
Chúng tôi giúp việc nhà chùa, nhà chùa gieo vào tâm trí chúng tôi những câu chuyện thú vị xa xôi… nhưng tất cả đều dựa trên sự tự nguyện, tự nhiên chứ không phải những khóa tu đóng tiền, nhà chùa làm dịch vụ, với những đứa trẻ đến từ khắp nơi và không hề quen biết.
Tôi cũng đã đến những ngôi chùa Nam tông, ở miền tây Nam bộ, ở Campuchia, hay Thái lan, nơi mà bọn trẻ trong làng, trong phum, sóc đến chùa học, thậm chí như một nghĩa vụ. Nhưng điều đó cũng rất khác với những khóa tu mùa hè ở những ngôi chùa như Cự Đà. Bởi những ngôi chùa Nam tông đó là một phần thiết chế cộng đồng nơi người ta sinh sống.
Tôi không biết có bao nhiêu phần trăm trong số những đứa trẻ tham dự các khóa tu mùa hè ở chùa Cự Đà thực sự hiểu ý nghĩa của việc tham gia chương trình ngoại khóa tôn giáo mà bố mẹ chúng chọn cho chúng. Nhưng tôi cho rằng đó không phải lựa chọn mà nhiều đứa trẻ có thể mong muốn. Những đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi lớn, cần những vận động thể chất, thức ăn giàu dinh dưỡng, và một không gian khoáng đạt để rắn rỏi hơn sau một năm học tù túng và căng thẳng… chúng muốn chọn vào chùa để tu sao?
Còn những bậc cha mẹ chọn khóa tu mùa hè cho con? Tôi không biết họ có thật sự lường tới những hệ lụy có thể nảy sinh? Về mặt vệ sinh, an toàn thể chất, và cả sự an toàn về tinh thần khi rất có thể những người hướng dẫn tâm linh cho chúng có đủ tri thức về tôn giáo hay không? Dự một khóa tu mùa hè, rất có thể kết quả sẽ là những niềm tin dị đoan được nạp vào những cái đầu non trẻ.
Vài năm trước, khi các con tôi còn nhỏ, tôi cũng từng nhận được những lời mời gọi đưa con đi tham dự những khóa tu mùa hè. Và điều duy nhất khiến tôi nghĩ đến lựa chọn đó là coi khóa tu như một chương trình sinh hoạt hè ngoại khóa, để lấp kín những ngày nghỉ hè của con trẻ khi bố mẹ còn bận rộn đi làm. Rất may là tôi có những lựa chọn khác.
Nhưng không phải gia đình nào cũng dễ dàng tìm được những lựa chọn khác cho mùa hè của con mình. Những chương trình trải nghiệm mùa hè đắt đỏ mà vẫn luôn đông khách, những đứa trẻ mụ mị sau kỳ nghỉ hè vì nằm nhà chơi games sau những buổi học thêm.
Con trẻ, quá ít lựa chọn cho kỳ nghỉ hè dài khi mà sinh hoạt cộng đồng cho trẻ nhỏ ở khu dân cư ngày càng hiếm hoi, khi mà môi trường sống ngày càng trở nên mất an toàn cho sự phát triển tự nhiên của con trẻ.
Khóa tu mùa hè, học kỳ quân đội… không phải chỉ dấu cho sự đa dạng dịch vụ dành cho mùa hè của con trẻ. Đó là chỉ dấu cho sự bế tắc mùa hè của cộng đồng./.