Tình trạng trẻ dị ứng đạm sữa bò khá phổ biến và khiến các ba mẹ lo lắng. Hiện nay, nước ta có khoảng 2,1% trẻ mắc phải tình trạng này. Tuy nhiên các triệu chứng của bệnh lý này lại dễ bị bỏ qua hoặc nhầm lẫn với các bệnh lý khác. Vậy tình trạng này là gì và nên xử trí như thế nào khi con yêu mắc phải? Ba mẹ hãy cùng Mevabe tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
Dị ứng đạm sữa bò ở trẻ là gì?
Dị ứng đạm sữa bò ở trẻ là phản ứng miễn dịch bất thường đối với protein có trong sữa bò cũng như các sản phẩm từ sữa bò. Từ đó gây ra tình trạng dị ứng và ảnh hưởng đến các bộ phận khác trên cơ thể. Ví dụ như da, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa của trẻ.
.
Đây là loại dị ứng thức ăn hay gặp nhất ở trẻ và có thể thuyên giảm dần sau 1 năm tuổi. Tuy nhiên, nếu trẻ không được điều trị có thể dẫn đến chậm phát triển thể chất, triệu chứng bệnh kéo dài,… Thậm chí một số trường hợp hiếm gặp có thể đe dọa đến tính mạng của trẻ.
Nguyên nhân trẻ dị ứng đạm sữa bò
Tình trạng dị ứng đạm sữa bò thường xảy ra ở trẻ bú sữa công thức hoặc bắt đầu cho ăn bổ sung. Trong sữa có 2 loại protein chính là Casein và Whey. Trong đó:
- Casein ở trong phần sữa đông vón lại
- Whey ở trong phần sữa lỏng còn lại
Cơ thể trẻ tự động sản sinh ra kháng thể miễn dịch IgE làm trung hòa những protein này. Bởi vì, chúng nhận diện rằng những thành phần protein có mặt trong sữa bò là có hại. Lần tiếp theo khi trẻ tiếp xúc với những loại đạm trong sữa bò, kháng thể IgE nhận diện và truyền tín hiệu cho hệ thống miễn dịch giải phóng ra histamin cùng các hóa chất trung gian gây dị ứng.
Ngoài ra, các yếu tố làm tăng nguy cơ dị ứng ở trẻ bao gồm:
– Tiền sử gia đình: dị ứng có tính di truyền nên trẻ có nguy cơ cao bị dị ứng nếu bố mẹ mắc các bệnh như: Viêm da cơ địa, viêm mũi dị ứng, dị ứng các loại thực phẩm, hen suyễn.
– Nhân tố môi trường (trước, trong và sau khi sinh)
– Mẹ sinh con khi đã lớn tuổi
– Thời gian cho con bú sữa mẹ ngắn
– Trẻ ăn sữa công thức với đạm nguyên chất
– Trẻ sinh mổ hoặc sinh non.
Dấu hiệu và chẩn đoán trẻ dị ứng đạm sữa bò
Việc xác định tình trạng dị ứng này khá khó khăn và hay bị nhầm lẫn. Bởi triệu chứng của bệnh còn được gặp ở một số bệnh phổ biến khác. Ví dụ như phát ban, trào ngược, tiêu chảy,…
Dấu hiệu
Trẻ sẽ có các triệu chứng trên nhiều cơ quan khác nhau như da, hệ hô hấp, hệ tiêu hóa. Cụ thể:
- Triệu chứng tại da (thường gặp 50-70%), trẻ sẽ có biểu hiện:
– Viêm da cơ địa
– Sưng môi, mí mắt (phù mạch)
– Nổi mề đay dù không uống thuốc hay liên quan đến tình trạng nhiễm trùng cấp,…
- Tại đường tiêu hóa (50-60%):
– Trẻ thường xuyên bị trào ngược và nôn trớ
– Tiêu chảy/táo bón: tiêu chảy xuất hiện trong vài giờ sau khi uống sữa, có thể có máu trong phân.
– Thiếu máu, thiếu sắt
- Tại đường hô hấp (20-30%): Trẻ ho kéo dài, sổ mũi, khò khè dù không liên quan đến tình trạng nhiễm trùng.
- Thể trạng:
– Trẻ mệt mỏi kéo dài, da xanh xao
– Trẻ thường xuyên đau quặn bụng (trên 3 giờ mỗi ngày). Trẻ đau kéo dài trên 3 tuần với tần suất ít nhất trên 3 ngày/tuần.
– Có thể có sốc phản vệ (mức độ nặng)
Nếu con có các dấu hiệu trên, ba mẹ nên đưa con đi khám để được xét nghiệm và chẩn đoán dị ứng sớm. Từ đó có cách can thiệp và điều trị kịp thời.
Chẩn đoán
Việc chẩn đoán sớm và chính xác sẽ giúp trẻ được điều chỉnh chế độ ăn phù hợp. Đồng thời làm giảm nguy cơ biến chứng như chậm tăng trưởng ở trẻ.
Khai thác tiền sử
Dị ứng thường mang tính chất di truyền, do đó việc khai thác tiền sử bệnh lý của gia đình là rất cần thiết. Ngoài ra, các thông tin quan trọng trong việc chẩn đoán còn là tiền sử bản thân trẻ, loại sữa trẻ đang dùng. Bên cạnh đó là thời điểm xuất hiện các triệu chứng, dạng triệu chứng và các yếu tố khởi phát.
Khám lâm sàng
Các bác sĩ sẽ thăm khám trên da, hệ tiêu hóa và hệ hô hấp. Bởi vì đây là các cơ quan chịu ảnh hưởng rõ ràng nhất của tình trạng dị ứng đạm sữa bò.
Xét nghiệm cận lâm sàng
Xét nghiệm sẽ giúp cho việc chẩn đoán các phản ứng dị ứng:
- Test lẩy da (Skin prick Test): có thể tiến hành ở bất kỳ độ tuổi nào
- Xét nghiệm IgE đặc hiệu với các protein có trong sữa bò (RAST)
- Test ăn kiêng/cho ăn lại sữa trong 2-4 tuần
- Test thử thách đạm sữa bò
Cách xử trí và phòng tránh dị ứng đạm sữa bò ở trẻ
Tùy vào tình trạng dị ứng của từng trẻ sẽ có những cách xử trí khác nhau. Ba mẹ có thể tham khảo các biện pháp sau để xử trí và phòng tránh tình trạng này.
Hướng xử trí dinh dưỡng
Ba mẹ có thể áp dụng cách xử trí cho trẻ dị ứng đạm sữa bò đã được Hội Nhi khoa Việt Nam khuyến cáo:
Đối với trẻ dưới 12 tháng tuổi
Sữa mẹ chính là thức ăn tốt nhất cho trẻ trong độ tuổi này. Khi đang cho con bú, mẹ nên loại bỏ sữa bò và các sản phẩm từ sữa bò ra khỏi chế độ ăn. Đồng thời, mẹ hãy uống thêm canxi theo chỉ định của bác sĩ.
Nếu trẻ không được bú mẹ, ba mẹ có thể cho trẻ sử dụng sữa công thức chứa đạm thủy phân tích cực từ 2 – 4 tuần. Nếu sau đó tình trạng của trẻ được cải thiện, ba mẹ cho trẻ thử sữa công thức đạm thủy phân 1 phần:
- Nếu trẻ xuất hiện lại các triệu chứng dị ứng sữa bò: ba mẹ quay lại cho trẻ uống sữa công thức thủy phân tích cực. Ba mẹ nên duy trì trong ít nhất 6 – 12 tháng.
- Nếu trẻ đã dung nạp được, tình trạng dị ứng được cải thiện: ba mẹ có thể cho trẻ thử lại sữa bò nguyên vẹn hoặc tiếp tục duy trì sữa công thức đạm thủy phân 1 phần.
Loại sữa này đã được kiểm nghiệm lâm sàng về an toàn, hiệu quả. Đồng thời được đề nghị sử dụng trong điều trị dị ứng đạm sữa bò trong thời gian dài. Đặc biệt, sữa công thức chứa đạm thủy phân tích cực có đầy đủ các chất dinh dưỡng cùng hàm lượng DHA (17mg/100Kcal) và ARA (34mg/100kcal). Đây là những dưỡng chất rất quan trọng cho sự phát triển của não bộ, thị lực và hệ miễn dịch.
Đối với trẻ trên 1 tuổi
Có thể cho trẻ dùng thử sữa đạm thủy phân một phần trước khi thử các thực phẩm chứa đạm sữa bò nguyên vẹn. Ba mẹ nên cho con thực hiện tại cơ sở y tế có đầy đủ thiết bị, sẵn sàng cấp cứu khi cần thiết. Nếu không có phản ứng nào xảy ra, trẻ có thể bắt đầu chế độ ăn bình thường với sữa bò và các chế phẩm từ sữa.
Những loại thực phẩm tránh sử dụng khi đang bị dị ứng đạm sữa bò
- Ba mẹ lưu ý không thay thế bằng các loại sữa dê, sữa đậu nành,… do có thể bị dị ứng chéo.
- không nên sử dụng các loại sữa hộp pha sẵn từ đậu nành, lúa mạch… Bởi vì chúng không cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết cho trẻ.
- Các loại nước ép trái cây, nước dừa, nước xay từ các loại hạt như hạt óc chó, hạnh nhân,… Các sản phẩm này không được gọi là sữa và không phù hợp để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ.