Để thi cử không còn là nỗi ám ảnh

Thích Nhật Từ

H: Bạch Thầy, trong số báo tháng 4 vừa rồi, con rất tâm đắc với những điều Thầy tư vấn cho chị Minh Anh (Vĩnh Phúc). Mùa hè này con trai con cũng thi vào đại học. Được biết Thầy là chuyên gia thường xuyên được Ban Hoằng Pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam mời tư vấn trong các chương trình “Tiếp sức mùa thi” cho các bạn trẻ. Thầy có thể cho con trai con cũng như các bạn trẻ chuẩn bị bước vào những kì thi cam go những lời khuyên hữu ích để các bạn ấy (và cả những bậc cha mẹ như chúng con nữa) được tiếp thêm sức lực, ý chí, niềm tin vào mùa thi sắp tới được không ạ? Con trân trọng cảm ơn Thầy! (Hoàng Lan Hoa, Tp. HCM)

Trả lời

Tôi nhớ nhất là lần được thỉnh mời về chùa Bằng để tư vấn mùa thi vào tháng 5/2008 cho trên 600 sinh viên và học sinh, phần lớn không phải là Phật tử. Mùa thi ở Việt Nam không chỉ có sinh viên, học sinh thi, cha mẹ và anh em cùng thi. Cha mẹ cũng buồn lo, căng thẳng như là con em của mình. Con thi trong lớp, cha mẹ thi ở ngoài cổng. Ngồi chờ, thấy gương mặt của con thi ra mà hớn hở thì vui theo, mặt con thi ra buồn so, về nhà ăn không ngon, ngủ không yên.

Các giảng đường, phòng học ở Việt Nam quá ít, nên mỗi năm chỉ có 10% được tuyển vào đại học, bởi vì ta không có đủ trường lớp để dạy. Cho nên đầu vào ở Việt Nam là một trong những nơi khó nhất trên thế giới, tỷ lệ chọi lên đến 1/vài trăm, thậm chí có trường tỷ lệ chọi 1/1000. Nhiều em sau mùa thi bị rớt nên căng thẳng, bế tắc, nếu cha mẹ, người thân không hiểu, không tạo ra sự hỗ trợ đúng có thể đẩy con mình vào bế tắc, thậm chí là quyên sinh.

Tỷ lệ chọi và sự lựa chọn bộ môn ngành A, B, C, D không có được tư vấn kỹ, cho nên kết quả bị rớt, mặc dù điểm đạt có thể cao. Tư vấn mùa thi tại chùa Bằng diễn ra trong không khí rất hay ở chỗ, các em được tư vấn về cách để tháo gỡ bế tắc về tâm lý, giải phóng những căng thẳng, vun trồng niềm tin vào bản thân, để không còn sử dụng những chiếc phao trong phòng thi, vốn có thể tạo ra sự không công bằng trong thi cử. Ngược lại nó để lại hậu quả cho tương lai giáo dục, chúng ta đào tạo ra một thế hệ với nhiều lớp người kiến thức trình độ, không tương thích với những gì văn bằng người đó có thể có.

Các em sinh viên, học sinh tại đây, có niềm tin tha thiết và mong rằng nhờ có tư vấn mùa thi, mình sẽ đỗ vào mùa thi sắp tới. Đầu vào các trường của Việt Nam là một hình tam giác lộn ngược mà đầu ra là đế tam giác, nó ngược lại với quy trình giáo dục ở các nước tiên tiến. Tôi đã yêu cầu các em, không nên nghĩ rằng thi đại học là tất cả. Bởi vì, con đường học chỉ là một trong những cánh cửa để đi vào cuộc đời. Cho nên, sở trường của mình chỗ nào, thì phát huy chỗ đó. Nhiều em thi 3,4 năm không đậu, mà cha mẹ cứ ép hoài. Thay vì để đầu tư vào các lĩnh vực khác, có thể đóng góp và giải quyết bế tắc thì ôm mộng “Vượt vũ môn” cuối cùng bị thất bại. Cho nên nghĩ rằng mình trở thành kẻ hư đốn, từ đó có những quyết định rất tiêu cực đến bản thân, gây một ảnh hưởng trầm trọng cho đời sống của người thân còn lại.

Để việc học và thi cử có kết quả tốt, trong thời gian ôn thi, ngoài việc đón nhận tình thương, hỗ trợ tinh thần, chế độ ăn uống dinh dưỡng, các học sinh và sinh viên cần lưu tâm về cách ôn tập bài vỡ, điều chỉnh tâm lý, giữ gìn sức khỏe và thư giãn tích cực. Các bạn có thể tham khảo những gợi ý dưới đây:

Ôn tập có phương pháp

Trong mùa thi, thói quen “học ngày không đủ tranh thủ học đêm,” sẽ dẫn đến hậu quả phũ phàng là “học thì nhiều nhưng nhớ chẳng bao nhiêu!” Nguyên nhân có thể là do người học bị áp lực tâm lý, dẫn đến lo lắng nhiều quá. Do quá lo lắng, nhiều học sinh và sinh viên đã “cắm đầu cắm cổ” vào việc học, học “nhồi nhét”, học “ôm đồm”. Sự đè nén quá tải này sẽ dẫn đến tình trạng “trống rỗng” kiến thức đã học được trong bộ não. Năng lực trí nhớ bị tổn giảm nghiêm trọng, sẽ không thể giúp người học đạt kết quả trong thi cử.

Trọng tâm của việc ôn tập là làm thế nào để nhớ chính xác và nhớ dai nội dung môn học. Nhồi nhét quá nhiều thông tin vào não trong những ngày trước khi thi sẽ dẫn đến tình trạng khối óc bị bão hòa, không thể nhớ thêm được nữa. Đối với các môn thuộc khoa học nhân văn và xã hội, người học cần tóm tắt và nhớ ý chính, không nên học thuộc lòng từng câu chữ và tất cả chi tiết. Đối với các môn thuộc khoa học tự nhiên, cần thuộc và hiểu các công thức, định lý để có thể giải đáp các bài tập.

Dùng bút marker gạch dưới các ý quan trọng để dễ tập trung vào các ý chính trong bài. Khi xem bài, nhớ đọc bằng mắt và chú tâm để nắm vững các chuyên đề chính, các bài quan trọng, các ý tưởng then chốt. Dùng kiến thức logic để phân tích, tổng hợp và hệ thống toàn môn học, ôn lại những nội dung cần nhớ nhất trước khi đi ngủ hoặc tốt hơn vào lúc sáng sớm khi vừa tỉnh dậy.

Tâm lý và sức khỏe mùa thi

Lo lắng, sợ hãi, thiếu tự tin, thiếu tập trung là các tâm lý tiêu cực mà người học nên tránh trong mùa ôn thi. Càng lo lắng, việc thi cử trở nên căng thẳng, mệt mỏi và quá tải. Như bạn đồng hành của lo lắng, sợ hãi không nhớ nội dung học, không làm được bài thi và không đỗ trong các kỳ thi sẽ xuất hiện một cách tất yếu. Hai tâm lý tiêu cực này làm cho người học mất dần sự tự tin, rơi vào mặc cảm tự ti, đánh mất sự tập trung cần thiết, đầu óc trở nên rỗng không.

Người học đừng tự gây khó bản  thân bằng cách đặt ra tiêu chí quá cao, như phải đỗ thủ khoa, đỗ xuất sắc trong kỳ thi. Kỳ vọng càng nhiều càng cao, về bản chất, là một áp lực tâm lý. Khi kết quả thi cử không được như mong đợi, nhiều học sinh đã bị rơi vào buồn chán, tuyệt vọng và trầm cảm. Hãy học đều đặn, ôn thi có phương pháp, người học chắc chắn đạt được kết quả tốt trong kỳ thi. Sau khi đã nỗ lực học, ôn và thi bằng tâm huyết và phương pháp, kết quả thi cử thế nào thì hãy hoan hỷ như thế. Bất mãn chính mình trong tình huống này chỉ biến kết quả không như mong đợi thành một áp lực và khổ đau dây chuyền, vốn là điều không nên.

Thức quá khuya liên tục để “luyện” thi không phải là thói quen tốt. Thức quá khuya, ngủ quá ít sẽ làm cho người học giảm trí nhớ, mơ màng trong ban ngày, lẫn lộn bài vỡ, kiểu “cắm râu ông nọ vào cằm bà kia”. Ngủ trước 10 giờ tối, dậy vào lúc 4 giờ khuya để học và ôn thi tốt hơn là ngồi nhồi nhét thâu đêm.

Không sử dụng các thuốc an thần, thuốc ngủ, vì như thế hoạt động của não sẽ bị ức chế, các dữ liệu không thể nạp vào đầu. Khi nằm trên giường, chỉ nhớ đến hơi thở ra vào thật sâu và thư thái, buông bỏ mọi thứ sang một bên, ngay cả những gì vừa được ôn xong. Hít thở thật sâu và nhẹ nhàng để máu được tươi nhuận, nơ-ron thần kinh được kích thích, quá trình trao đổi chất trong cơ thể được tốt. Đây là cách xả stress trước giấc ngủ, để giấc ngủ thật sâu, không bị ác mộng. Sáng dậy, tinh thần được sảng khoái, sức khỏe được phục hồi.

Thư giãn tích cực

Trước khi đi ngủ, người học nên tập thể dục nhẹ trong vòng 15 phút để thư giản cơ bắp, vượt qua mệt mỏi, không còn căng thẳng. Các động tác vận động toàn thân, chạy bộ, bơi lội, nhảy dây, thể dục thẩm mỹ, tập yoga là những bài tập có khả năng tái tạo sức khỏe tốt. Đảm bảo được sức khỏe trong suốt mùa ôn thi và thi cử, người học sẽ làm bài thi tốt hơn và đỗ đạt cao.

Xả stress bằng xem phim, chơi game, đánh bài, cờ tướng, cá độ, nhảy múa hip hop và “tám” với bạn bè không phải là sự lựa chọn thông minh trong mùa ôn thi. Các giải trí này thuộc dạng “lợi bất cập hại” vì bạn trẻ khó có thể kiềm chế và làm chủ mình, do đó, có thể bị sa đà và mất thời gian cho mục đích phụ, thay vì giữ gìn sức khỏe cho mục đích chính. Bị phân tán tâm trí quá nhiều cho giải trí trong mùa thi là không tốt. Ngoài ra tránh ăn uống tạp nham ngoài phố vì có thể bị ngộ độc và tiêu chảy, vốn có thể làm cho thí sinh không thể đủ sức để ôn thi và làm bài thi có hiệu quả.

Tránh sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, thuốc lắc, cà phê… chỉ làm cho thần kinh căng thẳng thêm. Thư giãn đúng cách có khả năng làm cho máu huyết lưu thông, thần kinh êm dịu.

Xả hơi cho não bằng liệu pháp âm nhạc sẽ giúp tâm được thư lắng. Nhớ đừng nghe nhạc buồn, nhạc rên rỉ, nhạc thất tình, nhạc gào thét, nhạc rock, vì chỉ làm nhức đầu và căng thẳng thêm. Thực tập thiền để xả stress là nghệ thuật tốt nhất để có mùa thi như ý.

Thực tập “thiền đi” giúp ta phục hồi sức nhanh và thư giãn tốt. Đi một cách chậm rãi, nhẹ nhàng, thư thái, không bận tâm mục đích đến vào khoảng thời gian sau giờ ăn trưa và ăn tối, để bao tử có thể làm việc tốt hơn, cung cấp năng lượng cho não hoạt động tốt hơn. Vừa đi, vừa hít thở không khí trong lành. Khi từng bước thảnh thơi, liên tưởng miệng mình như một hoa sen đang nở, cười thư thái để lòng được an nhiên.

Có mặt ở trung tâm thi trước khoảng 30 phút, đi bách bộ theo phong cách thiền nêu trên để làm quen với không gian của trường thi. Ta thấy các đội thể thao, khi thay mặt cho quốc gia đi dự thi ở các tổ chức Á vận hội hay Thế vận hội, người ta phải đi qua trước, đến vài ngày thậm chí vài chục ngày để làm quen. Chơi thể thao ở sân người thì yếu tố tâm lý bị dao động. Trong thi cử cũng thế, phải đến trước làm quen rồi nghĩ rằng, đây chính là ngôi nhà của mình, qua phương pháp quán tưởng của nhà Phật. Đây chính là phòng của mình, thay vì nghĩ phòng thi. Các giám thị trong lớp, nghĩ rằng đây chính là anh, em trai, người thân của mình, có như vậy áp lực giảm đi ở mức độ tối đa.

Đang trong phòng thi, nhớ hít thở thật đều đặn. Đừng để cảm giác sợ hãi chi phối. Làm bài xong, nếu còn thời gian, đừng vội nộp bài sớm. Hãy xem lại bài làm thật kỹ, nhờ đó có thể phát hiện các sai sót nếu có. Tập trung với hơi thở thiền sẽ giúp thí sinh giải phóng được cảm giác hồi hộp, lo lắng, căng thẳng. Nhờ hít thở thiền, ta giữ tâm lý thoải mái, bình thản, an nhiên, nhờ đó làm bài thi đạt kết quả tốt hơn.

Chúng ta không nên để tâm mình bị dao động bởi ngoại cảnh. Các bạn cùng thi trong lớp, có thể quay bài, sử dụng phao, mình đừng bận tâm, bởi vì mình không phải là người có mặt ở đây, để làm chức năng tạo sự công bằng, mà là giải đáp những đề thi, vì cuộc thi của mình cần phải có. Ai làm sai người đó chịu trách nhiệm, lúc đó tác động tâm lý không diễn ra theo hướng tiêu cực. Quan trọng hơn hết là phần nhận thức thi cử:

1. Ta phải thấy rõ, học là để tăng trưởng kiến thức, ứng dụng trong đời sống không nên xem nó là một áp lực. Người Nho trong quan điểm “Thi cử tức tranh thiên” người vác lều chõng, ăn cơm ghe vất vả từ làng quê đến kinh thành, cố gắng làm sao đỗ được Trạng nguyên, đỗ được Tiến sĩ, phải đỗ đầu. Nếu nêu ra một tiêu chí như thế thì sự căng thẳng, làm cho mình rất mỏi mệt và niềm tin sai hướng như thế, để lại hậu quả rất nghiêm trọng.

2. Ta thay thế nó bằng nhận thức nhân quả, tích cực hơn, nhẹ nhàng hơn là kết quả có lệ thuộc vào phương pháp, nội dung ta học, sự hiểu biết của mình.

3. Đầu tư hết mình vào sự học, kết quả ra sao cứ như thế, đừng quá bận tâm, hãy hài lòng với nó, ta sẽ không bị sức ép nào. Đây là 3 yếu tố giúp cho ta được thành công.

Khi được các bậc phụ huynh quan tâm, hỗ trợ và hướng dẫn các kỹ năng nêu trên, tôi tin rằng các học sinh và sinh viên sẽ tự tin, học tốt, thi tốt và “vượt vũ môn” trong các kỳ thi một cách nhẹ nhàng và thư thái.

Chúc các bạn trẻ một mùa thi thành công và hạnh phúc!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *