Tạp chí Mẹ và Bé – Mỗi lần ai đó hỏi về mẹ là bé Minh Anh lại bĩu môi liến thoắng: “Đừng nhắc tới con đàn bà hư hỏng ấy. Nó bị bà nội tống cổ ra khỏi nhà rồi. Cháu chỉ là con của mình bố thôi…”. Mọi người xung quanh không khỏi sửng sốt khi nghe những ngôn từ đầy hằn học thốt lên từ miệng con bé chưa đầy 3 tuổi ấy, nhưng bà nội nó lại vỗ tay khen cháu mình thông minh, giỏi giang và hứa sẽ thưởng quà bánh khiến con bé hào hứng, tươi cười như vừa làm được một việc tốt… Thì ra, thời gian đầu khi bố mẹ mới li dị, Phương Anh suốt ngày quấy khóc đòi mẹ. Bà nội Phương Anh vốn đã ác cảm với con dâu liền tiêm nhiễm vào tâm hồn ngây thơ của cháu sự khinh ghét mẹ bằng những câu chửi rủa tục tĩu hoặc doạ nạt nếu đòi mẹ sẽ bị ông điên bắt đi, bị thú dữ ăn thịt… khiến con bé sợ hãi. Ngay cả những tấm hình mẹ Phương Anh chụp chung với con gái cũng bị bà đem đốt đi. Mưa dầm thấm lâu, con bé trở nên ghét mẹ. Lần nào mẹ đến thăm và ngỏ ý đưa đi chơi, con bé chẳng những không theo mà còn khóc lóc ầm ỹ, xua đuổi mẹ, vứt bỏ quần áo, đồ chơi mẹ mua tặng. Bà nội Phương Anh hả hê ra mặt khi chứng kiến những giọt nước mắt đau đớn tột cùng của nàng dâu cũ mà đâu biết rằng mình đang phạm phải một sai lầm nghiêm trọng, nếu không muốn nói là tội ác. Hành động lôi kéo con trẻ vào những hận thù của người lớn chính là vô tình cướp đi tuổi thơ trong trắng, hồn nhiên của chúng, gieo rắc cái nhìn lệch lạc, phiến diện về cuộc đời và ảnh hưởng tiêu cực tới quá trình hình thành nhân cách của trẻ…
Môi trường gia đình là nền tảng vô cùng quan trọng đối với trẻ nhỏ. Ông bà, cha mẹ chính là những tấm gương gần gũi nhất cho con cái noi theo. Những lời nói, việc làm, cách đối nhân xử thế… của người lớn là nhân tố tác động sâu sắc tới sự phát triển của trẻ. Nếu môi trường đó bị ô nhiễm, vẩn đục thì con trẻ rất khó trở thành một công dân tốt trong xã hội. Nhiều bậc cha mẹ chủ quan, coi nhẹ hoặc chưa nhận thức được tầm quan trọng đó nên đã vô tâm “đầu độc” con cái. Và rồi họ phải trả giá cho sự thiển cận đáng trách của mình…
Ngay từ ngày thơ ấu, hai anh em Chi đã được mẹ nhồi nhét vào đầu rằng bà nội là “con người độc ác”. Mẹ Linh thường xuyên kể cho các con nghe chuyện bà nội gay gắt phản đối tình yêu của bố mẹ, chuyện mẹ chân ướt chân ráo về làm dâu bị bà nội rẻ rúng, hắt hủi. Rồi chuyện bà nội chỉ chăm bẵm, bế bồng cháu ngoại, chẳng đoái hoài gì tới anh em Linh…vv. Chính vì vậy mối quan hệ bà- cháu không chỉ có khoảng cách mà anh em Linh còn luôn tỏ ra ngang ngạnh, hỗn láo. Bà nhắc nhở hai anh em không được nghịch ngợm làm gẫy cây cối trong vườn hoặc trẩy quả xanh không xin phép… Linh và đứa em chẳng những không nghe lời bà mà còn cãi hỗn. Mẹ Linh không nghiêm khắc dạy bảo còn bênh vực con và ngấm ngầm khích bác chúng phá phách để “chọc tức” bà. Thậm chí, anh em Linh còn tận mắt chứng kiến mẹ cãi nhau tay đôi với bà bằng những lời ngoa ngoắt. Chưa dừng lại ở đó, mẹ Linh còn xúi giục hai anh em bịa ra những lời nói, hành động quá đáng của bà nội rồi kể cho bố nghe, để lôi kéo bố vào cuộc chiến “chống” lại bà. Được tiếp xúc và rèn giũa thói dối trá, ngỗ ngược từ nhỏ nên càng ngày anh em Linh càng ương bướng, “coi trời bằng vung”. Linh lười học, hay gây gổ đánh nhau với đám bạn đồng trang lứa. Để có tiền thoả mãn nhu cầu chơi điện tử, Linh đã xúc trộm thóc của mẹ đem bán. Em trai Linh cũng chẳng thua kém anh về “thành tích”. Hết lấy trộm tiền của bạn cùng học, cậu bé lại hái trộm hoa quả nhà hàng xóm. Mặc dù đã bị bắt quả tang nhiều lần song cậu bé vẫn chứng nào tật nấy… Đáng báo động nhất là càng ngày chúng càng tỏ ra coi thường quyền lực của cha mẹ. Tất cả những lời khuyên can, dạy bảo của mẹ chỉ tựa “nước đổ đầu vịt” chứ chẳng thể xoay chuyển những thói hư tật xấu đã ăn sâu vào tiềm thức, đã trở thành bản tính khó thay đổi ở hai cậu bé này. Ngay cả khi bố dùng biện pháp cứng rắn là đòn roi để nghiêm trị, anh em Linh vẫn cứ trơ lì, thậm chí còn nổi loạn nhiều hơn. Mẹ Linh thường kêu ca, than thở về hai đứa con “cứng đầu cứng cổ” mà đâu biết rằng chính chị đã làm hư con mình. Hậu quả chị đang phải đón nhận ngày hôm nay được bắt nguồn từ những việc làm sai trái, thái độ bất hiếu với mẹ chồng và cách dạy dỗ con “phản khoa học” của chính bản thân chị…
Mong muốn con cái khôn lớn, trưởng thành là khát vọng chính đáng của tất cả các bậc cha mẹ. Tuy nhiên, để điều đó trở thành hiện thực thì việc chăm sóc, giáo dục nhân cách cho con từ thơ ấu phải luôn được chú trọng, phải được đặt lên hàng đầu. Trong mỗi gia đình, người lớn phải sống sao cho xứng đáng là tấm gương mẫu mực cho con cái noi theo…
Tuấn Nguyên