Sữa mẹ xấu

H: Em có một cháu trai năm nay gần 4 tuổi, cháu ăn được và lên cân đều. Duy có một điều khiến em lo lắng là cháu không chịu nhai, ăn gì cháu cũng ngậm và nún rất lâu. Em đã dùng mọi biện pháp như nấu cơm nát, rau củ cắt miếng nhỏ … nhưng vẫn không ăn thua. Cơm thì cháu ngậm còn rau củ thì cháu nhè ra không chịu ăn. Em không biết phải làm thế nào và việc này có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của cháu không? (Nguyễn Thanh Hương, Q.3, Tp.HCM)

Đ: Việc cháu không biết nhai là do em không chịu tập cho cháu ăn thức ăn to từ bé. Bây giờ chỉ có cách kiên trì và tập dần. Tốt nhất, khi đến bữa ăn, không nên tách riêng bữa ăn của trẻ ra khỏi gia đình; cho bé ngồi cùng mâm để bé học người lớn tập nhai. Nên cho bé tự xúc lấy. Nếu như bé không biết nhai thì sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của hàm, làm cho cung hàm hẹp, sau này răng của bé sẽ bị mọc lộn xộn. Mặt khác, nếu không biết nhai, thì bé sẽ biếng ăn do dịch tiêu hóa của tuyến nước bọt tiết ra ít hơn. Một điều nữa là khi đến tuổi đi nhà trẻ mẫu giáo, bé sẽ khó hòa nhập với các bạn khi đến bữa ăn chung.

H: Con trai tôi mới được 8 tháng tuổi nhưng dạo này không ăn đêm. Đăc biệt là bé không bú mẹ, không chịu bú sữa bình, chỉ thích ăn bột. Như vậy có ảnh hưởng tới sức khỏe và sự phát triển của bé không? Có cách nào cải thiện tình hình không? Mong bác sĩ tư vấn giúp tôi. (Đoàn Thu Linh, Phú Thọ)

Đ: Nếu cháu vẫn phát triển bình thường thì việc không ăn đêm cũng không ảnh hưởng gì. Ở tuổi này, lượng bột cũng chỉ cần 3 bát/ ngày, không nên cho ăn quá nhiều. Trường hợp bé không chịu bú sữa, chị có thể trộn sữa vào bột cho bé, kể cả khi nấu bột mặn. Ngoài ra, có thể cho ăn thêm các chế phẩm của sữa như sữa chua, caramel, váng sữa…Nếu ăn bột quá nhiều, trẻ dễ bị rối loạn tiêu hóa, chậm lớn và có nguy cơ mắc bệnh còi xương.

H: Tôi có con nhỏ 5 tháng tuổi, nhưng cháu rất chậm lớn. Gia đình nhà chồng cho rằng bé còi là do sữa mẹ xấu. Xin hỏi nguyên nhân của sữa “xấu” là gì? (Nguyễn Hồng Nhung, Hàm Long, Hà Nội)

Đ: Theo một số các nghiên cứu về sữa mẹ, thì thành phần sữa của các bà mẹ trên thế giới gần như giống nhau về thành phần các chất cơ bản như chất đạm, chất đường bột…, và khác nhau một chút về hàm lượng chất béo, các vitamin và khoáng chất. Cho nên, không có sữa mẹ nào là xấu cả. Tuy nhiên, sữa của các bà mẹ có hàm lượng chất béo cao (khi vắt ra để trong tủ lạnh sẽ có váng sữa nổi lên màu vàng), thì trẻ sẽ lên cân nhanh hơn. Trường hợp trẻ bú mẹ nhưng chậm lên cân thường là do bú không đủ số lượng, hoặc bà mẹ chỉ cho con bú phần sữa đầu (sữa trong), có hàm lượng chất đạm thấp, nên không lên cân. Trong trường hợp này, trước khi cho trẻ bú, bà mẹ nên vắt bớt phần sữa đầu, cho bé bú kiệt một bên rồi mới chuyển sang bên kia, để bé bú được phần sữa cuối có hàm lượng chất đạm cao hơn.

H: Thưa bác sĩ, tôi muốn cho bé nhà tôi ăn sữa chua và các loại hoa quả nhưng tôi không biết nên cho ăn vào lúc nào trong ngày thì hợp lý nhất và ăn bao nhiêu là đủ? (Trịnh Hồng Minh, Tp. HCM)

Đ: Sữa chua thì ngay cả trẻ sơ sinh cũng đã ăn được, nhưng phải làm từ sữa bột công thức dành cho trẻ ở lứa tuổi này. Còn nếu mua sữa ở ngoài thị trường hiện nay thì trẻ phải từ 6 tháng tuổi trở lên mới cho ăn được. Riêng các loại hoa quả thì trẻ từ 6 tháng trở lên mới cho ăn. Khi cho ăn sữa chua, nên cho trẻ ăn sau bữa ăn từ 10-15 phút, không nên ăn lúc đói. Các loại hoa quả cũng vậy. Số lượng ăn tùy theo tháng tuổi của trẻ, nhưng trung bình mỗi ngày, trẻ có thể ăn từ 100-200ml sữa chua. Về hoa quả, trẻ từ 6 tháng đến 1 tuổi, mỗi ngày ăn được 100-200g. Từ trên 1 tuổi, ăn theo nhu cầu của trẻ.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *