H. Cháu nhà em sắp phải đi học lớp 1. Ở nhà em bắt đầu cho cháu tập viết và vẽ những thứ đơn giản. Có điều khiến em băn khoăn là cháu thuận tay trái. Em có nên ép cháu sử dụng tay phải để thuận tiện cho việc học sau này không? (Phạm Thị Thanh Trà, Cần Thơ)
Đ: Việc thuận tay trái ở nhiều nước không có gì là vấn đề lớn vì được chấp nhận dù viết tay trái hay tay phải. Nhưng ở Việt Nam việc dùng tay trái chưa được ủng hộ nhiều đặc biệt là việc viết chữ. Cháu sẽ may mắn khi gặp một giáo viên không phản đối việc dùng tay trái viết chữ . Tuy nhiên, nếu có thể, bố mẹ luyện cho cháu dùng tay phải cầm bút tập viết cho quen dần để cháu đỡ gặp khó khăn khi bước vào lớp 1. Còn các việc khác vẫn để cháu sử dụng tay trái. Khi luyện tập, bố mẹ nhớ động viên cháu nhé.
H. Mong Tạp chí gỡ rối giúp tôi. Con gái lớn của tôi được 2 tuổi thì vợ chồng tôi sinh thêm cháu nữa. Từ ngày có em, cháu lớn trở nên khó tính, hay quấy và lúc nào cũng bám mẹ. Cháu còn không cho mẹ gần em, cứ thấy mẹ bế em là cháu gào khóc, buổi tối nếu không được ở với mẹ thì cháu nhất quyết không chịu ngủ. Tôi thật không biết phải làm thế nào nữa. (Phạm Hoàng Long, Hưng Yên)
Đ: Cháu bé mới 2 tuổi nên bé không thể nào hiểu được tại sao lại xuất hiện thêm một bé nào nữa giữa mẹ và mình, được bố mẹ ưu tiên quan tâm hơn, được mẹ bế nhiều hơn. Cháu cảm thấy bị tổn thương vì mình bị đột ngột bỏ rơi mà không rõ nguyên nhân, mình không còn quan trọng, không còn được yêu thương nhiều như trước. Sự thay đổi lớn như vậy đối với bé thật quá nặng nề và khó làm quen. Vì vậy cháu ghen với em và quyết tâm chiến đấu giành lại mẹ, không cho mẹ gần em, gào khóc khi mẹ bế em. Để cháu không bị sốc, cháu có thể bình tâm trở lại, dù rất bận rộn và khó khăn, anh chị cũng vẫn nên giành phần thời gian quan tâm đến cháu, đưa ánh mắt trìu mến nhìn cháu, ôm cháu vào lòng, vuốt ve thủ thỉ trò chuyện để bé cảm thấy mình vẫn được hưởng tình thương yêu của bố mẹ, cảm thấy mình vẫn an toàn. Mẹ cũng trò chuyện với con về em, về sự ngưỡng mộ của em với chị dù rằng cháu chưa hiểu được nhiều. Tôi tin khi cháu cảm thấy tình yêu của mẹ thì cháu sẽ không ghen nhiều như trước nữa. Tuy nhiên, mẹ vẫn chú ý để con gái đừng mủi lòng nha.
H. Bé nhà tôi đến tuổi đi học mẫu giáo nhưng mỗi một ngày tôi phải rất vất vả mới đưa được cháu vào lớp. Chỉ cần đội mũ chuẩn bị ra khỏi nhà là cháu khóc, ngồi trên xe cháu cứ nhảy tưng tưng. Suốt quãng đường từ nhà đến lớp là cháu gào khóc không nghỉ. Tôi phải làm thế nào, ngày nào cũng vậy tôi thấy mệt mỏi quá. (Hoàng Thị Thanh Trúc, Đà Nẵng)
Đ: Cháu khóc khi đến lớp có nhiều nguyên nhân. Lí do đầu tiên là bố mẹ không chuẩn bị tâm lí trước cho con khi con chuẩn bị đi học. Người lớn cứ tưởng rằng không cần nói trước với con về điều sắp xảy ra là sai lầm. Mọi sự thay đổi đột ngột về môi trường sống, về những người mới lạ quanh cháu, về nếp sinh hoạt, cách ăn uống…đều gây những cú sốc tâm lí cho trẻ. Bố mẹ hãy kể về ngôi trường con sắp đến, về các cô và bạn bè con sắp gặp, về nhiệm vụ bố mẹ đi làm và con đi học, con sẽ không ở nhà… Bố mẹ cũng có thể dắt con đến làm quen với lớp, với trường, với cách sinh hoạt của lớp đó.. Bố mẹ cũng cần trao đổi với các cô về những vấn đề khó khăn của chaú khi ở trường để gia đình phối hợp cùng nhà trường giải quyết. Gia đình cũng đề nghị các cô động viên, khen cháu khi ở lớp, hướng dẫn cháu những việc cần làm. Bố mẹ cũng thường xuyên trò chuyện, hỏi thăm để con kể về các việc ở lớp, ở trường. Nhiều bé nhút nhát, hoặc ít tiếp xúc với người lạ, hoặc được gia đình nuông chiều thường gặp khó khăn khi đến trường mầm non. Mong cháu nhanh quen bạn, quen lớp nhé.