BÉ không tự tin

H. Tôi có vấn đề này rất lúng túng. Cháu nhà tôi năm nay 4 tuổi rồi mà cháu không tự tin cho lắm. Tôi bày cho cháu học, mặc dù cái đó cháu biết rõ rồi mà cháu không dám tự làm một mình. Ví dụ: bấm số điện thoại để gọi điện cho bố hoặc cho mẹ…, cháu giơ ngón tay lên đúng số đấy rồi mà không dám bấm cứ phải quay sang hỏi bố hoặc mẹ là số này đúng chưa, nếu bố mẹ nói đúng rồi mới dám bấm. Cháu không tự tin khi làm việc và học tập. Tôi rất muốn cho cháu đi học một lớp gì đấy hoặc làm cách nào để cháu tự tin lên. Mong Mẹ&Bé tư vấn giúp tôi (Trần Mạnh Quân, Tp.Vinh, Nghệ An)

Đ: Khi cháu ở nhà với ông bà bố mẹ không đi học trường mầm non, cháu thường không tự tin  vì người lớn cái gì cũng biết, còn cháu không biết gì. Cháu không dám làm vì sợ sai. Nhưng khi cháu đế trường mầm non, có nhiều bạn cùng lứa, cháu sẽ tự tin hơn vì thấy có nhiều bạn như mình, mình có thể sai nhưng cô cho cơ hội làm lại để cho đúng hơn. Hoặc cháu nhìn cách bạn làm để bắt chước làm đúng như thế. Trẻ có nhiều cơ hội làm đi làm lại vui vẻ cùng bạn. Do đó một trong nhưng cách hiệu quả giúp cháu tự tin là cho cháu học tại trường mầm non. Các cụ nói rồi “Học thày không tày học bạn” mà.

H. Cháu gái nhà tôi năm nay hơn 3 tuổi. Ở nhà cháu nói rất nhiều và rất to, thế nhưng khi đi chơi bên ngoài ai hỏi gì cháu cũng không nói, chỉ gật với lắc. Bố mẹ nhắc thì cháu mới lí nhí một vài câu nhưng nói rất bé. Tôi không biết phải làm sao để cháu trở nên bạo dạn hơn. (Lê Minh, Q. Phú Nhuận, Tp. HCM)

Đ: Cháu nói nhỏ khi gặp người lạ là do cháu chưa tự tin. Vì vậy, bố mẹ hãy giúp cháu bằng cách động viên cháu, nói to câu để cháu nhắc lại, nói những câu ngắn gọn để cháu có thể nhớ được, tạo nhiều cơ hội để cháu được tiếp xúc và trò chuyện với người lạ (con hỏi giúp mẹ xem bây giờ mấy giờ rồi? Con cầm giúp cho mẹ cái bút và đưa cho bác V. Con nhớ nói: Cảm ơn bác giúp mẹ nhé. ..). Bố mẹ cũng nên cho cháu đến trường mầm non để cháu bạo dạn, tự tin hơn. Ở trường cháu có nhiều cơ hội được nói trước các bạn, được đọc thơ, kể chuyện đủ to các bạn có thể nghe được. Khi đó, nỗi lo lắng của bố mẹ sẽ không còn nữa.

H. Cháu nhà tôi từ ngày đi học mẫu giáo trở nên rất khó tính, hay cáu kỉnh, không còn tươi cười, vui vẻ như trước. Mỗi khi có điều gì không bằng lòng là cháu ném đồ vật, đánh bố mẹ, gào khóc. Tại sao cháu lại có biểu hiện như vậy, tôi có cần chuyển trường cho cháu không? (Đỗ Kim Quyên, Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội)

Đ: Tôi không rõ hiện nay cháu mấy tuổi, thời gian cháu đã học lớp  mẫu giáo kéo dài trong bao lâu  để có thể hiểu chính xác hơn tình hình của cháu hiện nay. Nhưng trước tiên, bố mẹ hãy bình tĩnh vì đứa trẻ nếu không được chuẩn bị chu đáo trước khi đi học mẫu giáo về mọi mặt, đặc biệt là về tâm lí, thường có cảm giác hụt hẫng, hoang mang, không an toàn, cảm giác bị bố mẹ bỏ rơi khi đến lớp. Do đó cháu phản ứng lại như vậy cũng không có gì lạ. Phải cho cháu một thời gian để cháu quen dần trong môi trường sống mới, có nhiều bạn nhỏ như mình, khi mình không còn là trung tâm vũ trụ được mọi người chú ý, phải làm các việc cùng lúc như các bạn khác. Nếu có sự phối hợp tốt giữa gia đình và nhà trường thì cháu sẽ nhanh chóng làm quen hơn, đỡ bỡ ngỡ hơn. Bố mẹ nên trao đổi trò chuyện với giáo viên ở lớp để biết thêm tình hình của cháu, những khó khăn cháu đang gặp ở lớp để hỗ trợ, hướng dẫn cháu thêm. Có những điều rất nhỏ nhặt bố mẹ có thể hướng dẫn con khi ở nhà như khi con muốn đi vệ sinh con phải làm gì, hướng dẫn con tự xúc ăn, tự lấy cốc uống nước, tự thay quần áo…  Bố mẹ cũng trao đổi trò chuyện với con để con hiểu vì sao con cần đến lớp (bố mẹ đi làm, con sẽ quen được nhiều bạn mới, biết được nhiều điều về kể cho bố mẹ, bố mẹ vẫn yêu thương và quan tâm đên con…). Bố mẹ hãy động viên và khen con vì bất kì sự thay đổi nhỏ nào ở con nhé, đề nghị con kể chuyện hàng ngày ở lớp . Hy vọng cả gia đình sẽ cùng vui vẻ đến lớp mẫu giáo nhé.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *