Gói bim bim và thứ hào quang giả tạo

Tạp chí Mẹ và Bé – Buổi chiều, trước sân nhà tập thể chúng tôi, trẻ con chơi bóng, đạp xe, đá cầu, nhìn thật vui mắt. Trẻ con thời nào cũng vậy, đứa nào cũng vậy, mắt đều sáng và gương mặt đều tràn đầy những nét hồn nhiên trong các trò chơi bất tận của tuổi nhỏ.

Đứng đợi con trai bên hè, tình cờ câu chuyện của mấy cậu bé lớp 1 đang chia nhau gói bim bim lọt vào tai, khiến tôi chú ý:

– Sao Trung không ăn?

–  Mẹ tớ bảo nhà mình không ăn loại đấy, rẻ tiền lắm. Tớ đi đến trường bằng ô-tô cơ đấy!

– Biết rồi. Mẹ Bình thì chỉ đèo Bình bằng xe máy thôi. Cho khỏi tắc đường.

– Không phải, vì nhà cậu không có ô-tô. Trường của cậu cũng không đắt tiền bằng trường của tớ. Trường tớ là trường X, đắt lắm!

– Đắt thì sao? Trường Bình cũng đắt!

– Thì nhà cậu không giàu bằng nhà tớ. Trường đấy chả đắt gì cả, không biết gì!

– Nhà Bình cũng giàu! Mẹ Bình có nhiều tiền đấy!

– Thế sao không đi học trường đắt tiền?…

– Không biết. Nhưng nhà thằng Phúc cũng có ô-tô như nhà Trung, mà nó vẫn đi học cùng Bình đấy thôi, có học trường đắt tiền đâu!

– À, nhà nó có xe KiA, rẻ hơn xe nhà tớ…

Thằng bé Bình có vẻ không hài lòng, vùng vằng chạy theo quả bóng. Một lát sau, chúng đã quên ngay câu chuyện.

Còn tôi thì cứ bần thần suy nghĩ mãi. Bấy giờ, tôi nhìn đám trẻ đã thấy khác. Mắt chúng vẫn sáng và mặt vẫn hồn nhiên, nhưng giờ đây, mỗi đứa dường như lại mang một thứ hào quang kỳ lạ bao bọc quanh mình. Đó là hào quang vô hình của cái gọi là “đẳng cấp”. Đứa này nhà nghèo, bố mẹ đèo đi học bằng xe máy xập xệ, quần áo không phải hàng hiệu. Đứa kia nhà có xe đẹp, ô-tô xịn, ăn nhà hàng, đi học trường quốc tế, hay trường tư thục đắt tiền… Cuộc sống hình như đang khiến lũ trẻ ngây thơ non nớt này học thêm những khái niệm xã hội mới ngay từ nhỏ, và theo thời gian, sẽ củng cố niềm tin vào điều ấy – làm sao sống xứng đáng với “đẳng cấp” của mình.

Tôi chợt nhớ thằng em họ, mới ra trường đang chạy ngược chạy xuôi xin việc làm, thế mà đã xe nọ xe kia, xin tiền bố mẹ đổi luôn xoành xoạch. Hỏi, sao phí tiền thế, thì nó bảo, chị không biết gì cả, ở đây người ta nhìn xe mà nể người! Chả biết “nể” đến mức độ nào, chứ cứ đi đâu mua bán với nó là y như rằng bị người ta “chém đẹp”. Nó bảo: Phải cắn răng mà chịu thôi, xe xịn mà lại cò kè trả giá, không xứng đáng với “đẳng cấp” của mình. Nhìn ra xung quanh, tôi giật mình thấy, có thật nhiều cách để con người ta “thể hiện đẳng cấp”. Quần áo, điện thoại, nhà hàng, và cả… bạn bè – tất cả đều được lựa chọn cho phù hợp với đẳng cấp trong một xã hội đang manh nha phân chia tạm gọi nôm na là “các giai tầng xã hội” dựa trên những hiện tượng mà tôi đồ rằng, phần nhiều chỉ là giả tạo. “Con” xe em tôi đi chẳng hạn, đem cho chủ nó một ánh hào quang giả dối, trong khi chủ nó vẫn chưa làm ra tiền, còn biết bao thứ chưa tự lo được cho mình… Và quan trọng nhất là, nó không phân biệt được, thực chất, điều gì làm nên “đẳng cấp thứ thiệt” cho một con người!

Các bà mẹ có con nhỏ như tôi, không biết có ai chia sẻ với tôi không nỗi lo cho nhận thức về một thứ hào quang giả tạo mà con trẻ đang vô tư tiếp nhận hàng ngày, ngay cả từ một gói bim bim?

Thụy Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *