Sữa có nguồn gốc thực vật như sữa gạo, sữa đậu nành và sữa hạnh nhân đang “lên ngôi” trong thời gian gần đây, đặc biệt là đối với những phụ huynh nuôi con theo chế độ ăn thuần chay, hoặc gặp khó khăn trong việc tìm mua sữa công thức. Nhưng với nhiều gia đình, việc này không phải chỉ là chạy theo xu hướng nhất thời.
Một số người chọn các loại sữa nói trên do cơ địa không dung nạp hoặc bị dị ứng với sữa bò. Còn các gia đình ăn thuần chay lại không sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc động vật. Một số khác sử dụng đồng thời sữa có nguồn gốc động vật và thực vật, thậm chí còn học cách tự làm sữa hạnh nhân và hạt điều tại gia.
Vậy liệu những sản phẩm từ thực vật này có thể được gọi là “sữa”, trong khi chúng không được lấy từ bò? Năm 2018, FDA đã bắt đầu tiến hành giải đáp câu hỏi này. Sau 5 năm, đến tháng 2/2023, cơ quan này đã ban hành một dự thảo hướng dẫn ghi nhãn các sản phẩm sữa có nguồn gốc thực vật.
Các quan chức cho biết, dù sữa có nguồn gốc thực vật không được lấy từ bò nhưng vẫn có thể được gọi là “sữa”. Tuy nhiên, FDA đề xuất nên cập nhật phần so sánh giá trị dinh dưỡng của sản phẩm với các sản phẩm sữa thông thường trên bao bì sản phẩm.
Trên nhãn nên đề thêm nội dung chẳng hạn như “chứa hàm lượng Vitamin D và Canxi thấp hơn sữa thông thường”. Dù vậy, đến thời điểm hiện tại, việc thực hiện bước này là hoàn toàn dựa trên sự tự nguyện.
Theo FDA, các thức uống từ đậu nành có chứa canxi, vitamin A và D là loại sữa có nguồn gốc thực vật duy nhất có thể được đưa vào nhóm “sữa” theo định nghĩa trong tài liệu Hướng dẫn chế độ ăn uống cho người Mỹ của Chính phủ nước này.
Tiến sĩ Susan T. Mayne, Giám đốc Trung tâm An toàn thực phẩm và Dinh dưỡng ứng dụng của FDA đã nêu trong một thông cáo báo chí: “Hấp thu đủ dưỡng chất trong sữa thông thường và các thức uống bổ sung từ đậu nành là điều đặc biệt quan trọng để giúp trẻ em phát triển. Cha mẹ và người chăm sóc trẻ cũng nên biết rằng rất nhiều thức uống thay thế có nguồn gốc thực vật không đủ dinh dưỡng bằng sữa”.
Các loại sữa làm từ thực vật hoàn toàn có thể trở thành một phần trong chế độ ăn lành mạnh cho trẻ. Điều quan trọng là cha mẹ phải được thông tin đúng để chắc chắn con em mình được tiếp nhận đủ những chất dinh dưỡng cần thiết. Dưới đây là một số sự thật phụ huynh cần biết về sữa có nguồn gốc thực vật:
1. Sữa có nguồn gốc thực vật không thể thay thế sữa công thức cho trẻ sơ sinh
Sữa công thức cho trẻ sơ sinh được đặc biệt thiết kế để đáp ứng các nhu cầu của trẻ trong độ tuổi này. Các loại sữa này được quy định bởi FDA và phải đáp ứng các tiêu chuẩn dinh dưỡng liên bang. Bởi vậy, sữa có nguồn gốc thực vật không đủ an toàn để thay cho sữa công thức.
Cha mẹ không thể đổi sữa công thức có nguồn gốc đậu nành bằng sữa đậu nành và cũng không được để trẻ sơ sinh uống sữa hạnh nhân. Sữa hạt, các loại sữa nguồn gốc thực vật khác và sữa bò không thể thay thế sữa mẹ hoặc sữa công thức. Chỉ khi trẻ trên 1 tuổi, cha mẹ mới có thể đưa sữa bò và sữa có nguồn gốc thực vật vào thực đơn của trẻ.
2. Sữa nguồn gốc thực vật không có hàm lượng dinh dưỡng tương đương sữa bò
Xét về mặt dinh dưỡng, sữa có nguồn gốc thực vật không phải sự thay thế dạng “một đổi một” cho sữa thông thường.
Thực tế, sữa đậu nành bổ sung canxi là loại thức uống làm từ thực vật duy nhất được hướng dẫn thực phẩm MyPlate của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) coi là tương đương với sữa nhờ chứa hàm lượng protein gần nhất theo mức quy định.
Trái lại, không giống sữa có nguồn gốc thực vật, sữa bò lại là nguồn cung cấp dưỡng chất như protein, canxi, kali và vitamin B12 rất tự nhiên.
3. Sữa hạt tự làm tại nhà không phải nguồn cung cấp canxi và vitamin D dồi dào
Mặc dù sữa hạt rất dễ để tự làm tại nhà (và có hương vị tươi ngon hơn nhiều so với mua ở cửa hàng), phụ huynh vẫn cần phải nhớ rằng sữa có nguồn gốc thực vật khi sản xuất thường được tăng cường thêm canxi và vitamin D. Bởi vậy, sữa tự làm tại nhà không thể cung cấp lượng dưỡng chất tương đương.
4. Hầu hết sữa có nguồn gốc thực vật chứa lượng protein rất thấp
Một số nguồn tin cho rằng, sữa hạnh nhân là nguồn cung cấp protein rất tốt. Nhưng trên thực tế loại sữa này chứa rất ít protein: chỉ khoảng 1 gam/khẩu phần so với 8 gam/khẩu phần của sữa bò, hoặc 7 gam/khẩu phần của sữa đậu nành.
Sữa hạt gai dầu, hạt điều, gạo và dừa cũng chứa hàm lượng thấp hoặc rất thấp protein. Vì vậy, trừ sữa đậu nành hoặc đậu xanh, những loại sữa thực vật khác không được tính là nguồn cung cấp protein dồi dào. Và hãy chắc chắn rằng trẻ lớn hơn 1 tuổi nên được bổ sung protein từ nhiều nguồn khác ngoài sữa.
5. Lắc đều sữa có nguồn gốc thực vật trước khi sử dụng rất quan trọng
Đối với các loại sữa bổ sung canxi, chất rắn canxi có thể bị lắng xuống dưới đáy hộp. Vì thế để hấp thụ canxi giúp làm chắc xương trong sữa, hãy lắc đều hộp trước khi sử dụng.
6. Sữa nguồn gốc thực vật có thể chứa rất nhiều đường
Phụ huynh nên cẩn trọng với những loại sữa làm từ thực vật có hương vị, bởi chúng có thể chứa rất nhiều đường. Một ví dụ tiêu biểu: Một ly sữa vani hạnh nhân của một nhãn hiệu tên tuổi chứa đến 4 thìa cà phê đường/khẩu phần (tương đương khẩu phần trong nửa ngày với trẻ từ 4-8 tuổi).
Trẻ có thể uống sữa có hương vị, tuy nhiên ngay cả những sản phẩm gắn mác “nguyên chất” cũng có thể chứa nhiều đường hơn mức cần thiết. Hãy kiểm tra lượng đường dư trong bảng thành phần và tìm chú thích “không đường” ở mặt trước bao bì.
7. Sữa nguồn gốc thực vật có rất nhiều hương vị độc đáo
Nếu phụ huynh đang tìm kiếm sữa nguồn gốc thực vật trẻ ưa thích thì có rất nhiều loại để lựa chọn, và chúng đều có hương vị khác nhau. Chẳng hạn sữa hạnh nhân và hạt điều thoang thoảng mùi hạt, còn sữa gạo lại có vị ngọt nhẹ. Hãy thử để biết gia đình bạn thích loại nào nhất. Nếu không thích uống trực tiếp các loại sữa này, bạn có thể chế biến chúng thành sinh tố.
Theo: Parents