Bé không nhớ chữ cái

H: Con gái tôi được 8 tháng 20 ngày. Do nhiều nguyên nhân trong cách sinh hoạt và vị trí nhà ở, gia đình tôi rất ít tiếp xúc với lối xóm bên ngoài. Vì thế, con gái tôi cũng vậy, như bị “cấm cung”, rất ít khi ra ngoài tiếp xúc với mọi người và môi trường xung quanh. Mong tiến sĩ phân tích giúp, với điều kiện sống như vậy có ảnh hưởng đến sự phát triển và hòa nhập của cháu sau này hay không? nguyenquynh2009@yahoo.com

Đ: Cháu bé thật thiệt thòi khi ít dược tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Khi cháu được nhìn nhiều nét mặt khác nhau, nghe nhiều giọng nói, quan sát nụ cười hay sự ngạc nhiên… là cháu đang học qua cách bắt chước đấy. Cháu sẽ mấp máy miệng tập nói, mỉm cười, biểu lộ cảm xúc của mình. Âm thanh, những hình ảnh…tác động đến bé, phát triển các giác quan của bé, những cảm xúc của bé, các phản xạ, những vận động… Bé quờ tay về phía tiếng nói, đưa ánh mắt về phía có khuôn mặt người lạ, nhận ra người quen giữa nhiều khuôn mặt, ngửi thấy mùi mẹ giữa vô vàn những người xung quanh. Đó là những bài tập đơn giản nhưng cần thiết với bé. Cháu sẽ bạo dạn hơn khi được tiếp xúc với nhiều người khác nhau. Do đó khi có cơ hội, chị nên cho cháu tiếp xúc với lối xóm bên ngoài.

H: Bé nhà tôi sang năm bước vào lớp 1 mà sao cho đến nay không sao dạy cho bé đọc được các chữ cái. Tôi dạy bé đọc được chữ này là bé quên ngay chữ khác vừa học. Nói chung là tôi dạy bé rất nhiều lần rồi kêu bé đọc lại thì bé không đọc được. Vậy tôi phải làm sao? Có phải là não của bé có vấn đề không? Mỗi lần tôi dạy cho bé đọc chữ chỉ có 3 chữ cái mà bé vẫn không nhớ. Mong tiến sĩ tư vấn giúp. truongtuhoangvn@yahoo.com.vn

Đ: Truớc hết tôi xin khẳng định: não của cháu hoàn toàn bình thường. Cháu còn một năm nữa mới vào lớp 1 nên anh chị đừng sốt ruột. Học chữ không khó nếu biết cách dạy phù hợp. Trong chương trình giáo dục mầm non của Bộ Giáo dục Đào tạo cho lớp mẫu giáo lớn có chương trình cho trẻ làm quen với chữ cái. Để trẻ nhớ một chữ cái dễ dàng thường kết hợp nhều kĩ thuật: như đọc âm rồi đưa ra chữ cái, phân tích các nét của chữ cái để trẻ dễ nhận biết, vị trí các nét, nặn đất sét thành các nét của chữ đó, sắp xếp hạt theo chữ đó, nhận biết chữ đó từ các từ khác nhau, kết hợp các âm thành từ dễ đọc để trẻ đọc theo. Ví dụ: na, ba.. Âm và chữ được ôn luyện nhiều lần để trẻ không quên, đặc biệt nếu tiến hành dưới dạng trò chơi hấp dẫn. Nếu bố mẹ day chữ không đúng cách sẽ làm cháu hoảng sợ khi học chữ, ảnh hưởng không tốt đến việc học lớp 1 sau này. Vì vây, anh chị nên bình tĩnh xem xet lại việc dạy chữ cho cháu có gì chưa hợp lí để thay đổi nhé.

H: Con gái của chúng tôi vừa vào học lớp 1. Mỗi buổi chiều khi chúng tôi đón cháu từ trường về cháu rất vui vẻ, hớn hở, líu lô kể chuyện về cô, về bạn. Nhưng đến sáng hôm sau khi ngủ dậy cháu lại nài nỉ bố mẹ cho nghỉ học ở nhà, rằng cháu không thích đi học, không thích đến trường. Chúng tôi đã tâm sự nhiều với cháu với hy vọng tìm ra nguyên nhân nhưng không có kết quả. Xin chuyên mục hãy gỡ rối giúp vợ chồng tôi. thangminhyen@hotmail.com

Đ: Cháu hăm hở đến trường vì có cô và nhiều bạn mới, nhiều hoạt động mới còn đầy sức hấp dẫn trong những ngày học đầu tiên. Đồng thời cháu cũng không muốn đến trường vì  nếu như không được chuẩn bị tốt ở lớp mẫu giáo lớn, trẻ không thể đáp ứng được những yêu cầu khi là học sinh lớp 1: mở sách cùng lúc với các bạn, tập viết không chậm quá, kịp lấy đồ dùng học tập khi cô yêu cầu, nhớ được các bài tập cần làm khi về nhà, khi thường xuyên không đươc điểm tốt,  khi bị cô nhắc nhở… Trẻ bị nhiều áp lực mà bố mẹ hoàn toàn không hình dung được. Chỉ đơn giản như trẻ phải ngồi trong lớp 30 phút liền, mỗi buổi học từ 3-4 tiết như vậy, trẻ sẽ mệt mỏi như thế nào, rồi luôn phải mặc một bộ đồng phục… Như vậy chắc bố mẹ sẽ hiểu và thông cảm với con, hỗ trợ, động viên để con nhanh chóng thích nghi với nhịp sống trường học. Nhiều giáo viên lớp 1 đôi khi cũng chưa thật sự thông cảm, biết động viên khuyến khích các em mới vào lớp 1, và vô hình chung làm tăng thêm gáng nặng áp lực đè lên đôi vai bé nhỏ của các em. Vì vậy, bố mẹ đừng hỏi nhiều đến thành tích học tập của con, mà nên hỏi: Hôm nay đến lớp con và các bạn có gì vui không? Biết thêm được điều gì mới không? Cô dạy cầm bút như thế nào? Hôm nay học chữ gì? Con biết thêm tên bạn nào trong lớp? Con hay chơi với bạn nào? Bố mẹ hãy động viên khen con nhiều hơn: Con của mẹ đã biết cầm bút chì rồi này, biết đánh vần chữ rồi này, ngồi trong lớp học cả buổi sáng rồi. Đúng là học sinh lớp 1có khác!

Mong anh chị cùng con vượt qua thời gian khó khăn này, giúp cháu có nghị lực vượt qua những thử thách hiện tại và sau này.aoetieou

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *