Trẻ hay bị quát mắng sẽ có não nhỏ hơn và IQ thấp hơn những đứa trẻ khác. Cha mẹ cần chú ý!
Trong quá trình giáo dục con cái, việc trẻ phạm lỗi khiến cha mẹ phải trách mắng để răn đe, dạy dỗ là những điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, việc nhiều cha mẹ thường xuyên áp dụng phương pháp “bạo lực ngôn ngữ” này lên trẻ không phải là cách giáo dục tốt. Bởi phương pháp này có thể khiến trẻ tổn thương não và ảnh hưởng đến sự phát triển.
Tiến sĩ Martin Teicher từ Trường y khoa Harvard cho biết: “Trẻ em thường xuyên bị cha mẹ la mắng có chỉ số IQ trung bình khi lớn lên là 112, thấp hơn 12 điểm so với những trẻ không bị bạo lực bằng lời nói”.
Nhà xã hội học người Mỹ Mori Strauss cũng đã thực hiện một cuộc khảo sát trí thông minh trên 806 trẻ em từ 2-4 tuổi tại Mỹ. Sau đó 4 năm, một cuộc kiểm tra thứ hai tiếp tục được tiến hành và đưa ra kết luận: Chỉ số IQ trung bình của những đứa trẻ ít hoặc không bị la mắng cao hơn 5 điểm so với những đứa trẻ thường xuyên bị bạo lực bằng lời nói. Strauss cho biết: “Càng bị la mắng, trí tuệ của trẻ càng chậm phát triển.
Kết quả khảo sát khác trên hơn 17.000 sinh viên đại học ở 32 quốc gia của Strauss cũng cho thấy tỷ lệ cha mẹ đánh mắng con càng cao thì chỉ số IQ trung bình của trẻ em ở quốc gia đó càng thấp. Nói như vậy không có nghĩa là trẻ bị bạo lực ngôn ngữ sẽ mất dần khả năng nhận thức, chỉ là chúng có nguy cơ kém thông minh hơn so với các bạn cùng trang lứa.
Strauss đã kết luận: Những đứa trẻ thường xuyên chịu sự la mắng của cha mẹ sẽ có cơ chế phản ứng “đấu tranh hoặc bỏ chạy”. Cách trẻ chọn phản ứng lại hoặc lảng tránh cũng sẽ tác động đến khả năng sáng tạo và trí tưởng tượng của trẻ. Điều đó cũng liên quan tới việc chỉ số IQ của trẻ cũng bị ảnh hưởng.
Ở một nghiên cứu khác, các nhà khoa học đã quét não của hai đứa trẻ ba tuổi. Mẹ của một trong hai là người dịu dàng và gần gũi với con trong khi đó bà mẹ còn lại thường đánh mắng và phớt lờ nhu cầu của con. Kết quả cho thấy hình ảnh não bộ của hai đứa trẻ cũng rất khác nhau. Theo đó, đứa trẻ hay bị la mắng có não nhỏ hơn đáng kể. Khi thể tích não càng nhỏ thì sự phát triển trí tuệ càng giảm.
Không những thế, nghiên cứu cũng cho thấy những đứa trẻ bị đánh mắng trong thời gian dài có thể sẽ hung hăng, thiếu tự tin hơn khi trưởng thành. Những đứa trẻ được sống trong tình yêu thương sẽ có kết quả ngược lại. Chúng khoan dung, tốt bụng, và có thể có nhiều khả năng thành công hơn khi lớn lên.
Raheel Briggs, nhà tâm lý học trẻ em tại Bệnh viện nhi Montefiore ở thành phố New York, từng cho biết: “Nếu bạn đánh đòn con mình, bạn đang nói với chúng rằng đó là một cách để đối phó với vấn đề. Tuy nhiên nếu bạn sử dụng các phương pháp kỷ luật khác, bạn đang dạy cho con mình những kỹ năng nhận thức cao hơn, khả năng tự kiểm soát, nguyên nhân và kết quả cũng như tư duy logic.”
Cha mẹ thông minh không đánh mắng con cái
Thay vì đánh mắng trẻ, cha mẹ thông minh sẽ biết cách kiềm chế cảm xúc của mình và sử dụng các phương pháp tốt hơn để dạy con của mình. Dưới đây là những phương pháp giáo dục như thế:
1. Tôn trọng cá tính của trẻ
Mỗi đứa trẻ là một cá thể độc nhất và người lớn nên tôn trọng sở thích và thế mạnh của trẻ hơn là ép buộc chúng làm theo ý muốn của gia đình.
2. Dẫn dắt bằng ví dụ
Cha mẹ là tấm gương cho con cái noi theo, lời nói, việc làm của chúng ta sẽ ảnh hưởng trực tiếp nhất đến con cái. Vì vậy, cha mẹ nên cố gắng thể hiện sự tử tế, trung thực, đáng tin cậy và chăm chỉ để làm gương tốt cho con cái.
3. Hãy lắng nghe con
Duy trì giao tiếp tốt với trẻ và hiểu được suy nghĩ cũng như nhu cầu của con là nền tảng để thiết lập mối quan hệ lành mạnh giữa cha mẹ và con cái. Chúng ta nên học cách lắng nghe con cái, sau đó quan tâm, hỗ trợ chúng.
4. Tạo không khí gia đình hòa thuận
Gia đình là cái nôi cho sự phát triển của trẻ và bầu không khí gia đình hòa thuận là điều cốt yếu cho sự trưởng thành tốt của trẻ. Cha mẹ nên cố gắng tạo dựng một môi trường gia đình tràn đầy yêu thương, quan tâm để trẻ có thể lớn lên hạnh phúc.
Tất nhiên, tính cách và trải nghiệm trưởng thành của mỗi đứa trẻ là khác nhau và phương pháp giáo dục gia đình chỉ là một yếu tố.
Ngoài ra, mục đích của việc giáo dục gia đình không chỉ là khiến trẻ tuân theo nội quy mà quan trọng hơn là rèn luyện khả năng tư duy độc lập, khả năng phán đoán và nhân cách đạo đức tốt cho trẻ.
(Theo Aboluowang)