H: Tôi hiện có một cháu trai 4 tuổi, bản tính cháu nghịch ngợm và hay quậy phá. Nhiều khi đi làm về mệt mà cháu phá quá khiến tôi rất bực, nhưng nếu mắng thì cháu phớt lờ và còn tỏ vẻ chống đối. Tôi có nên dùng biện pháp mạnh là đánh cháu không chứ hiện giờ tôi bất lực quá. (tranha.hn@gmail.com)
Đ: Hiếu động là bản tính của trẻ, nhất là cháu trai. Nếu con bạn cứ ngồi im, ruồi đậu mép không thèm đuổi thì bạn nghĩ thế nào? Đâu phải vì người lớn mệt mà không cho trẻ con nghịch. Đánh cháu là một biện pháp mang lại hậu quả tồi tệ nhất và tôi khuyên là không bao giờ nên dùng. Bạn nên hướng dẫn các trò chơi phù hợp với lứa tuổi cháu mà không gây ồn ào như lắp ghép, tô màu, vẽ, nặn… Trẻ lứa tuổi này rất cần có quan hệ bạn bè. Nếu con bạn đã đi học mẫu giáo thì tôi tin rằng nhu cầu giao tiếp với người khác đã được thỏa mãn một phần và cháu sẽ đỡ phá quấy rất nhiều khi ở nhà. Còn nếu con bạn ở nhà, tất nhiên khi bạn đi làm về, con muốn được trò chuyện với bạn, được chia sẻ, được chơi cùng, được bạn chú ý. Bạn cũng nên hướng dẫn và quy định có những trò không được chơi khi ở nhà và không được phá công việc của người khác. Tôn trọng và quan tâm người khác là một điều cần dạy từ bé: khi bố mẹ làm việc bé không làm ồn, biết hỏi thăm bố mẹ khi bố mẹ đi làm về… Tôi tin là gia đình bạn sẽ tìm được tiếng nói chung.
H: Em có cô cháu gái 3 tuổi rưỡi, vừa phải theo bố mẹ sang Úc. Bố mẹ cháu phải gửi cháu ở nhà trẻ cùng với các bạn Úc. Thật sự là một sự thay đổi môi trường rất đột ngột đối với cháu. Khi còn ở Việt Nam cháu chưa bao giờ đi học, chỉ ở nhà với bà ngoại. Cháu không thích đến lớp, cứ buổi sáng là khóc nhè. Ở lớp cháu không chơi với các bạn, không chịu ăn uống gì. Hiện bố mẹ cháu rất căng thẳng không biết làm thế nào. Xin Tạp chí tư vấn giúp em. (congchuabongbong88@yahoo.com.vn)
Đ: Cháu bé đã phải chịu 2 sự thay đổi nặng nề với cháu: lần đầu tiên cháu phải đến nhà trẻ và lại là nhà trẻ ở nước ngoài. Sự khó khăn đối với cháu tăng gấp nhiều lần. Ngay cả với những cháu chỉ ở nhà với bà ngoại, lần đầu tiên đi nhà trẻ ở Việt Nam, nếu không có sự chuẩn bị trước với nếp sống mới ở trường cho cháu, cũng gặp rất nhiều trở ngại và thời gian để có thể thích nghi với cuộc sống ở lớp học. Cách chăm sóc, món ăn, ngôn ngữ xa lạ, nét mặt phương Tây không quen thuộc của cô và các bạn đồng lứa, cách thể hiện tình cảm của cả cô và cháu ở 2 nền văn hóa Đông và Tây : chắc bạn đã hình dung những khủng hoảng mà bé phải chịu như thế nào? Lẽ ra bố mẹ đã phải có một thời gian chuẩn bị cho cháu làm quen dần với những sự thay đổi môi trường đó ngày từ khi ở Việt Nam: đi học ở nhà trẻ, không có mặt ông bà bố mẹ, tập cách ăn những món ăn dành cho trẻ em ở Úc, dạy những câu đơn giản để trẻ hiểu được cô giáo muốn cháu làm gì hay nói với cô cháu muốn làm gì, hướng dẫn cho cháu làm các việc tự phục vụ đơn giản trong sinh hoạt (tự xúc ăn, tự mặc/cởi quần áo giày dép, tự rửa tay…), hướng dẫn những trò chơi thường có trong lớp học…. Những kĩ năng tự phục vụ là điểm mà trẻ em Việt Nam thường thiếu. Vì vậy để cháu thích ứng với cuộc sống mới, bố mẹ nên gặp gỡ giao viên ở lớp, trao đổi về những khó khăn mà con mình hiện đang gặp phải, về chế độ sinh hoạt trong lớp, những yêu cầu với trẻ…để hướng dẫn con thêm ở nhà. Vấn đề nhập cư là một vấn đề lớn, thích nghi với một nền văn hóa khác luôn là một sự khó khăn, đòi hỏi thời gian. Mong bạn kiên trì cùng bố mẹ giúp cháu thích nghi dễ dàng hơn.
H: Bé Bim nhà em mới được 17 tháng tuổi và đang tập nói. Khổ nỗi cứ mỗi lần nghe người lớn nói bậy là Bim bắt chước theo mà lại nói theo rất tròn tiếng, bạ lúc nào cũng nói được mà ko biết làm thế nào để cho Bim quên đi được. Nhờ Tạp chí tư vấn giúp em với ạ. (Vũ Thị Lý, Vàng Danh, Uông Bí, Quảng Ninh)
Đ: Bé của bạn đang tuổi tập nói, rất thích bắt chước tiếng nói của người khác. Cháu chưa thể phân biệt được tiếng nào nên nói, tiếng nào không nên chuyện bắt chước cả những từ không hay là chuyện bình thường. Vì vậy, lẽ đơn giản là muốn trẻ không nói bậy thì người lớn đừng nói bậy. Còn nếu trẻ vẫn vô tình nhắc lại những từ bậy thì tốt nhất người lớn đừng nhắc lại từ đó, mà nên nói từ khác, có văn hóa lịch sự, và cùng trẻ nhắc lại. Trẻ sẽ nhanh chóng quên từ bậy để nói lại từ mới mà bạn vừa thay thế. Nếu cháu nói từ bậy, hãy nghiêm khắc nhắc cháu: không được nói như thế, mẹ không khen. Quan trọng nhất là người lớn tự mình không được nói bậy. Con học nói và bố mẹ cũng phải học nói theo đấy.