Bé nói lắp

H: Con trai em được 30 tháng tuổi, hiện nay cháu bị nói lắp em đang rất lo lắng và không biết làm sao. Em rất sợ lớn lên cháu vẫn nói lắp như vậy. Em rất mong chuyên mục cho em lời khuyên để em có thể khắc phục được tật nói lắp của cháu. Và điều đặc biệt là khi cháu dưới 24 tháng tuổi cháu không bị nói lắp như bây giờ. Liệu có tại cháu tiếp xúc với bác của cháu bị nói lắp sáu đó cháu nói theo không? maika.anthinh@gmail.com

Đ: Bạn đã tự có câu trả lời rồi đó. Trẻ ở lứa tuổi này đang ở giai đoạn phát triển ngôn ngữ mạnh mẽ. Sự bắt chước khi phát âm, khi học nói giữ một vai trò quan trọng đối với trẻ. Vì thế khi nghe bác cháu nói lắp, cháu sẽ vô tình copy và phát âm theo. Nếu cháu thường xuyên tiếp xúc với bác, với mẫu câu phát âm sai (nói lắp) thì khả năng sửa cho cháu sẽ khó khăn. Vì vậy khi cháu còn nhỏ (dưới 6 tuổi) nên cho cháu được sống trong môi trường phát âm chuẩn. Hy vọng anh chị sẽ tìm được giải pháp hợp lí hợp tình cho con trai bé nhỏ của mình.

H: Con trai lớn của chúng tôi năm nay học lớp 8, cháu nhìn chung hiền lành, biết nghe lời, không ăn chơi, quậy phá. Mỗi khi chúng tôi mắng hoặc nhắc nhở cháu, cháu đều trả lời “Vâng” nhưng sau đó lại mắc lỗi. Tôi có cảm giác cháu chỉ “vâng” lấy lệ, còn những điều bố mẹ nói cháu thường bỏ ngoài tai. Với những chuyện như mua sắm, ăn uống, thời trang… cháu luôn nói “không” với những đề xuất của bố mẹ. Liệu đây có phải là “bệnh chung” của tuổi teen? Chúng tôi phải làm gì để có thể tìm thấy “tiếng nói chung”  với cháu? mimosa27@hotmail.ru

Đ: Tuổi 14- 15 là lứa tuổi trong giai đoạn chuyển tiếp từ thiếu niên sang thanh niên (từ trẻ con sang người lớn). Những quan tâm về thời trang, mua sắm .. thường xuất hiện muộn hơn so với bạn gái, khi các cháu trai đã học lớp 11-12. Cháu có những biến đổi về sinh lí (bắt đầu vỡ giọng, chân tay dài ra…) và dẫn đến những thay đổi trong tâm lí. Những hứng thú và những giá trị bắt đầu có nội dung như của người lớn.  Cháu bắt đầu có nhu cầu tự khẳng định mình, có chính kiến cá nhân. Vì thế bố mẹ trong giai đoạn nhạy cảm này cần chú ý thay đổi quan hệ, thái độ, cách cư xử cho phù hợp với vị trí mới của con, đừng coi con như cậu bé con năm nào. Bố mẹ hãy dành thời gian quan sát , trò chuyện, thảo luận với con về các vấn đề liên quan. Đừng áp đặt cách nhìn nhận, đánh giá của người lớn lên con. Chỉ trong những lúc cần thảo luận, trao đổi cùng người lớn, cháu lựa chọn những giá trị nào của cha mẹ sẽ thành giá trị của bản thân cháu một cách tự nguyện. Khi đó cháu sẽ không “bỏ ngòai tai” những lời nhắc nhở của bố mẹ. Hãy cùng bàn bạc với con, lắng nghe ý kiến của con, tạo cơ hội cho con trình bày ý kiến của cháu mặc dù những ý kiến đó mới nghe thật khó chấp nhận. Bố mẹ hay tranh luận cùng con để con tự nhận ra sự phi lí trong các lập luận của mình và tự nguyện thay đổi cách nhìn của mình. Là bố mẹ của con và đồng thời là người bạn chân thành của con: làm được điều đó không dễ dàng nhưng không có nghĩa là không làm được. Tôi tin anh chị sẽ làm được điều đó.

H: Bé trai 4 tuổi của chúng tôi dạo này thường xuyên gào thét rất to mỗi khi không ưng ý chuyện gì đó. Cháu đang đi học mẫu giáo và trước đây không như thế. Chúng tôi đã nhắc nhở, khuyên răn, thậm chí đét đít nhưng không thấy chuyển biến. Mong chuyên mục phân tích giúp nguyên nhân và cách bảo ban cháu điều chỉnh hành vi tiêu cực này. Xin chân thành cảm ơn. aniuta1996@gmail.com

Đ: 4 tuổi là giai đoạn trẻ đang khẳng định cái tôi của mình. Chúng muốn thử uy quyền của mình như thế nào với mọi người. Vì vậy anh chị không nên dét đít làm gì, mà chỉ cần sau khi phân tích đúng sai những yêu cầu của cháu mà cháu vẫn tiếp tục gào thét, bố mẹ sẽ chuyển sang làm việc khác, tỏ thái độ ra vẻ không quan tâm đến hành vi của cháu nữa (mặc dù vẫn ngầm đưa cháu vào tầm quan sát của mình). Khi nhiều lần cháu thấy hành vị của mình không đạt được kết quả như mong đợi, cháu sẽ thôi không ứng xử như vậy.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *