Thế giới quanh ta có muôn vàn điều kỳ lạ luôn thôi thức ta tìm tòi, khám phá. Một trong số đó chính là cánh đồng kỳ lạ với hàng ngàn chiếc chum đá lớn nhỏ trên đất nước Lào.
Tôi biết tới cánh đồng Chum cổ của Lào hết sức tình cờ trong một chuyến công tác Campuchia quá cảnh tại sân bay Viên chăn của Lào. Ấn tượng về hình ảnh một cậu bé ngồi lọt thỏm trong chiếc chum to tướng trên bìa cuốn Guide book Lào cứ đeo đuổi tôi mãi không thôi. Có điều người Việt mình ít đi du lịch Lào nên để tìm được bạn đồng hành không dễ chút nào.
Trong một dịp du hý xứ Nghệ, tôi cùng anh bạn làm một lèo thẳng tiến sang nước bạn Lào qua cửa khẩu Nậm Cắn. Từ cửa khẩu đi khoảng 5 tiếng là tôi đã tới Phonsavan, thủ phủ của tỉnh Xiêng Khoảng. Trời nắng nhẹ, mát. Đường xá rất rộng thoáng và đẹp. Cuộc sống hai bên đường thanh bình và trù phú.
Cách Phonsavan chừng 10 cây số, chúng tôi tới Cánh đồng Chum bản Ang (điểm số 1). Cánh đồng Chum (tiếng Lào là Thoong hảy hín) nằm trên cao nguyên thuộc tỉnh Xiêng Khoảng. Có niên đại 2500 – 3000 năm. Cánh đồng Chum với nhiều huyền thoại, cho đến bây giờ người ta vẫn chưa rõ nguồn gốc của nó.
Vì vậy gọi là cánh đồng chứ thực chất là một cao nguyên trải dài hàng chục cây số men theo triền đồi, xen giữa thung lũng khoảng 52 điểm với hơn 2000 chiếc chum đá cổ. Tập trung chủ yếu ở 3 bản: bản Ang, Lắt Sén và Bản Sua. Trong đó, Bản Ang được chú ý nhất bởi có số lượng chum hơn 334 chiếc, chum đá lớn nhỏ đã được tìm thấy ở đây. Cái lớn nhất có đường kính 2,5 m và cao tới 2,57 m, nặng đến hàng tấn. Cái nhỏ nhất chỉ cỡ một người ôm. Đa phần những chiếc chum không có nắp với đủ dạng vuông tròn, không cái nào giống cái nào.
Tuy nhiên du khách không thể tham quan hết tất cả các điểm trên cao nguyên Xiêng Khoảng này bởi vẫn còn rất nhiều nơi chưa sạch bom mìn. Thời kỳ chiến tranh 1964 – 1973 quân đội Mỹ đã rải xuống mảnh đất này hàng ngàn tấn bom, mìn. Thế nên nếu du khách không đi theo chỉ dẫn vẫn có thể bị sát thương. Trung bình người dân vùng này phải chịu 350 tấn bom/người. Nhiều nhất là bom tấn có sức công phá lớn, trên cánh đồng chum hiện vẫn còn những hố bom có đường kính gần 10m, sâu trên 4m. Tiếp theo là bom bi quả ổi, loại gây sát thương nguy hiểm nhất đối với con người. Các loại mìn sát thương khác nữa cho đến bây giờ vẫn chưa tháo gỡ được hết.
Điểm dừng chân đầu tiên – bản Ang với 334 chiếc chum lớn nhỏ với chiếc to nhất Thong Hai Hun nặng tới 6,6 tấn được cho là chiếc Vại chiến thắng của vua Jeuam. Những chiếc chum ở đây không còn cái nào nguyên vẹn, nhiều cái thậm chí bị vỡ tan nát nhiều mảnh do bom Mỹ. Cánh đồng Chum Xiêng Khoảng, trong quá khứ, đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến tranh chống Mỹ của hai dân tộc Việt – Lào mà lớp trẻ chúng tôi không mấy người biết rõ. Mảnh đất này từng là chiến trường khốc liệt, nơi thí điểm học thuyết “Lào hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ, nơi gần 12.000 quân tình nguyện Việt Nam đã nằm xuống mãi mãi.
Trở lại với những chiếc chum đá cổ nằm rải rác khắp triền đồi và dưới ruộng, không biết chúng được làm như thế nào, dùng làm gì và đã ở đó bao lâu rồi? Có lẽ chính những câu hỏi với biết bao cách giải đáp khách nhau đã khiến nơi đây trở nên hấp dẫn lạ thường. Anh bạn Lào dẫn đường cho tôi thì khăng khăng là những chiếc chum này được người cổ đại dùng làm quan tài. Thế nhưng chất liệu đá ở đây rất đặc biệt, không phải khai thác trong vùng. Nếu để làm quan tài, liệu người xưa có cần kỳ công và vất vả để chuyên chở, để chế tác đến vậy không? Với cảm nhận của tôi khi đi qua những xóm làng của Lào, được nếm thử hương vị cay cháy họng của rượu gạo Lào, tôi đoán những chiếc chum này được dùng để đựng rượu.
Sau một hồi thăm thú, tôi dừng lại khu bảo tàng nơi lưu trữ những ghi chép khảo cổ học và đọc được những dòng chữ khá lạnh gáy. Theo tài liệu năm 1930 bà Madelene Colani – một nhà khảo cổ người Pháp đã đến Cánh đồng Chum này. Trong công trình nghiên cứu Mégalithes du Haut – Laos, bà Colani viết: “Tuổi của 334 cái chum này vào khoảng 2.500 -3.000 năm. Đây không phải là những chum ủ rượu vì không thấy dấu vết nào có thể chứng minh”. Đến khi phát hiện những nồi đất đựng sọ và xương người có nắp đậy cẩn thận được chôn xung quanh những chum này, Colani khẳng định: “Chum là vật đựng tất cả những di vật (quần áo, đồ dùng, rìu, nỏ, cung, kiếm) của người Puôn (một trong 3 bộ tộc Lào cổ) sau khi chết đúng theo phong tục của bộ tộc này”.
Tuy nhiên điều đó cũng không ngăn tôi tiếp tục khám phá khu 2 (Lắt Sén) với 94 chiếc chum và khu 3 (Bản Sua) với 130 chiếc trên cánh đồng Chum kỳ bí này. Nếu Bản Ang khiến bạn sững sờ về độ lớn và nhiều. Ở Bản Sua những chiếc chum đang được đẽo gọt dở dang với nhiều hình dáng và độ nông sâu khác nhau lại mang tới cảm giác thú vị như được trở lại quá khứ ngắm nhìn những người thợ đang làm việc vậy.
Cách khu 2 về phía Nam 10km, khu 3 rất ấn tượng với một tu viện cổ nhỏ nhắn nơi lưu giữ những hiện vật Phật giáo cổ còn lại sau chiến tranh. Xóm làng quanh khu vực này trù phú hơn hẳn mấy khu trước với những ngôi nhà khang trang hơn, ruộng lúa, mía, sắn và chuối xanh mướt xen giữa những ngọn đồi chum cổ và thác nước.
Dời cánh đồng chum tôi vẫn chưa thỏa mãn mà hy vọng lần tới sẽ được thăm hết những điểm còn lại, tuy nghe nói không có nơi nào có hơn 40 cái chum và còn quá nhiều bom mìn. Quanh khu vực này luôn được khuyến cáo không nên ở lại và luôn phải có người bản địa dẫn đường nhưng không vì thế làm giảm đi sự hấp dẫn. Trái lại nó càng làm những người mê khám phá như tôi muốn quay đi quay lại không biết chán.
Hoàng Văn