Vì sao bố mẹ lừa dối con?

Tạp chí Mẹ và Bé – Trẻ nhỏ thường hay bướng bỉnh khiến cho bố mẹ nhiều phen bực mình và đau đầu. Làm thế nào để thuyết phục cục cưng của mình gội đầu, đến bác sĩ chữa răng, uống thuốc hay đi nhà trẻ? Đôi khi vì quá mệt mỏi mà các ông bố bà mẹ đành dùng kế lừa con mình, chẳng hạn như nói với con “Há miệng to ra nào, mẹ cho con ăn kẹo nhé”, và khi bé sung sướng há miệng chờ đợi thì thay vào chiếc kẹo lại là… viên thuốc. Bé khóc ầm lên nhưng viên thuốc đã bị nuốt trôi vào họng rồi, coi như việc của mẹ đã xong. Nhưng làm thế có đúng không?

Trẻ có quyền biết sự thật

Thoáng trông qua thì tưởng rằng mọi việc không có gì ghê gớm lắm. Bố mẹ nói với con là cả nhà sẽ đi dạo, kỳ thực bé bị đưa đến bệnh viện khám bệnh, hay nói dối con rằng ở nhà trẻ có con gấu thật to, để bé đồng ý đi trẻ. Người lớn khi hành động như vậy không hề nhận thức được rằng hậu quả của những lời nói dối ấy sẽ nghiêm trọng nhường nào.

Ngày chủ nhật. Mới sáng tinh mơ, cậu con trai hai tuổi của chị Hà đã chạy ào vào phòng bố đang ngủ và kêu to “Con muốn xem phim hoạt hình”. Chị Hà tìm mọi cớ để kéo con ra, nào là vô tuyến hỏng, nào là chú Thỏ nhân vật chính trong phim bây giờ đang bận nên không đến được… Cậu bé Nam vẫn một mực đòi vào phòng. Hết cách, chị đành nói thật “Bố đang ngủ, nên bây giờ không xem phim được”. Lạ thay, cậu bé hiểu ngay mọi sự và ngoan ngoãn ra khỏi phòng! Hóa ra, chúng ta đánh giá quá thấp trí tuệ của trẻ, các em biết phân biệt khi nào người lớn nói thật và khi nào thì nói dối. Thái độ chân thật, giọng nói thành thực của người lớn có tác dụng ngay lập tức với các em, trong khi cảm giác bị lừa khiến cho các em rất bực bội và giận dỗi. Chỉ vài lần nói không thật với con, cho dù có vì nguyên nhân chính đáng gì đi nữa, bạn sẽ có nguy cơ đánh mất sự tin cậy của bé.

“Mạng nhện” rối rắm của sự lừa dối.

Bé Thúy mới lên 3 tuổi. Bé ghét nhất là buổi sáng phải đi nhà trẻ. Vì thế chị Hoa, mẹ của bé, đành phải nghĩ ra đủ cách để thuyết phục Thúy đến lớp. Thay vì nói với con “Mẹ con mình đi nhà trẻ đi!”, chị lại rủ rê “Nào mặc quần áo rồi hai mẹ con đi chơi nhé”. Suốt cả quãng đường chị  phải làm đủ trò để cuốn hút con, nhưng cuối cùng thì hai người vẫn đến cổng nhà trẻ.

Khi bé Thúy hiểu ra và bắt đầu nghi ngờ mẹ, chị Hoa lại nghĩ ra một kế mới “Hai mẹ con mình đi mua bóng bay đi!”. Bé Thúy rất thích bóng bay xanh đỏ, nhưng cầm được quả bóng bay vào tay rồi, bé lại bị dẫn đến nhà trẻ. Rồi bé chơi chán bóng, chị Hoa bây giờ lại thủ thỉ “Đi nào, mẹ sẽ mua đồ chơi cho con nhé”. Mua xong đồ chơi chị bảo con “Con có đồ chơi rồi, hôm nay con đi nhà trẻ nhé, thêm một ngày nữa thôi!”. Cho tới một hôm bé gào lên “Con muốn về nhà chơi đồ chơi cơ! Mẹ bảo con là đi mua đồ chơi, chứ không phải là đi nhà trẻ”. Chị Hoa lúng túng và buồn bã vì bất lực.

Bé Thúy trở nên khó tính, cáu kỉnh. Thậm chí ngày nghỉ, cả nhà đi đến công viên nhưng dọc đường lúc nào bé cũng sợ hãi là sẽ bị đưa đến nhà trẻ. Một hôm bạn Minh ở gần nhà tổ chức sinh nhật, mời hai mẹ con bé Thúy tới dự. Bé háo hức mặc quần áo và ra khỏi nhà, nhưng khi mẹ rẽ vào cửa hàng mua đồ chơi tặng bạn Minh thì Thúy đột nhiên giật áo mẹ:

  • Đi về nhà!
  • Sao thế con? – chị Hoa ngạc nhiên.
  • Đi về nhà, con không muốn đi nhà trẻ.
  • Nhưng mẹ con mình đến nhà bạn Minh cơ mà!
  • Đấy là mẹ nói thế! Nhưng mà mẹ lại đưa con đến nhà trẻ như mọi lần.

Chị Hoa không làm cách nào thuyết phục con gái được, còn bé Thúy thì khóc to giận dữ và ngồi bệt xuống nền đường.

Khi người lớn lừa dối trẻ nhỏ, chúng ta làm một việc rất nguy hiểm, bởi vì các em sẽ bị mất phương hướng không chỉ về thế giới xung quanh mà còn bị nhầm lẫn rối loạn về ý nghĩa của ngôn từ. Vào tầm 2-3 tuổi, trẻ đang tích cực học hỏi tiếng mẹ đẻ, bởi thế việc tìm ra mối liên hệ giữa từ ngữ và các hiện tượng trong cuộc sống là vô cùng quan trọng. Nếu chúng ta nói “Đi chơi”, mà rồi cuối cùng bằng hành động chúng ta lại cho các em thấy rằng thực ra là “Đi nhà trẻ”, thì mọi khái niệm sẽ bị đảo lộn rối rắm. Trong lòng các em sẽ dần nảy sinh cảm giác băn khoăn, lo lắng rằng trên thế giới này không có gì là đáng tin cậy cả.

Tất nhiên khó giải thích với một em bé hai tuổi vì sao phải đi nhà trẻ. Nhưng dù sao bố mẹ cũng phải cố gắng tìm ra những từ ngữ đơn giản và dễ hiểu để nói cho con mình biết mục đích của việc hàng ngày bé tới lớp. Ví dụ “Mẹ phải đi làm, con ở nhà một mình sẽ không có ai cho con ăn, không ai chơi cùng con được. Mẹ là bác sĩ, mẹ phải đi chữa bệnh cho người khác”. Nên kể nhiều hơn về công việc của mình cho bé nghe, thậm chí nếu có thể nên đưa bé đến cơ quan một vài lần để bé bết mẹ bận, vất vả thế nào, nếu bé yêu mẹ,bé đi nhà trẻ ngoan, me sẽ có nhiều thời gian chữa khỏi bệnh cho nhiều người.

Lúc nào cũng cần nói sự thật?

Có những trường hợp đặc biệt khi sự thật có thể làm cho trẻ bị tổn thương về tâm lý. Ví dụ không nên nói rằng con chó cưng của bé bị chết vì ô tô cán, mà khéo léo nói rằng: chó bị ốm nặng nên phải mang tới bệnh viện để các bác sĩ chữa trị. Sau một thời gian bạn có thể kể tiếp rằng vì chó ốm nặng quá nên các bác sĩ không cứu được.

Ý kiến của các bậc phụ huynh

Mẹ của bé Bảo 3 tuổi: “Khi cháu nhà tôi được hai tuổi rưỡi, cháu rất sợ gội đầu. Mỗi lần chuẩn bị tắm cháu lại lo lắng hỏi tôi “Thế hôm nay có phải gội đầu không hả mẹ?”, tôi thản nhiên bảo “Tất nhiên là không rồi con ạ”. Nhưng khi vừa cho cháu ngồi vào trong chậu tôi lại dội nước lên đầu cháu, thế là cháu kêu toáng lên và cố gắng vùng vẫy, còn tôi thì vội vàng xí xóa “Gội đầu nhanh nào, rồi mẹ cho con tha hồ nghịch nước!”

Nỗi sợ hãi phải gội đầu dần dần lớn lên đến nỗi con tôi không chỉ sợ tắm, mà còn sợ rửa tay nữa. Lúc nào cháu cũng phấp phỏng lo là mẹ sẽ lôi ra gội đầu. Một thời gian rất dài vợ chồng tôi phải đau đầu nghĩ cách an ủi cháu, thậm chí cả tháng trời tôi không gội đầu cho cháu để giành lại lòng tin của bé nhà tôi.

Câu chuyện không mấy vui vẻ này cho tôi một bài học rằng bao giờ cũng cần giữ lời hứa của mình trước con cái. Tuy nhiên con trai tôi vẫn sợ nước, mỗi lần tắm cháu chỉ cho phép mẹ giội phần chân và bụng, rồi dần dần lên tới vai… Cho tới một ngày tôi quyết định nói thật “Hôm nay mẹ sẽ gội đầu cho con đấy, chuẩn bị tinh thần nhé!”. Và tôi ngạc nhiên xiết bao khi thấy cháu mặc dù rất sợ hãi song vẫn đứng yên để tôi giội nước lên đầu. Tôi khen cháu là dũng cảm, và rất ân hận rằng bao ngày tháng nay đã lừa dối con một cách vô ích.

Nói sự thật như thế nào?

  1. Điều quan trọng nhất là có sự chuẩn bị trước cho con: Nếu con bạn sắp phải làm việc gì đó không mấy dễ chịu, tốt nhất là nên nói thẳng cho cháu biết sự thật. Hãy dùng giọng nói lạc quan, bình tĩnh, đừng để bé nghĩ là việc đó đáng sợ. Tùy theo lứa tuổi của trẻ mà có thể giải thích hậu quả nếu không làm việc này.Ví dụ nếu không chữa răng sâu thì vi trùng sẽ phá hỏng hết răng và muốn ăn kẹo cũng không ăn được nữa, hay nếu không gội đầu thì sẽ có ngày tóc khô cứng và rụng hết…
  2. Kể chuyện cổ tích cho con là một kế rất hay: Để thuyết phục cục cưng của bạn làm việc gì đó mà bé vốn không thích hoặc sợ hãi, hãy dùng tới hình thức một câu chuyện cổ tích ly kỳ và hấp dẫn. Ví dụ “Ngày xửa ngày xưa có một cậu bé vốn rất sợ gội đầu, vì thế chẳng bao giờ gội cả và kết quả là cậu trở nên xấu xí, người cậu bốc mùi rất khó chịu nên không bạn bè nào chịu kết bạn với cậu bé cả. Một ngày, mẹ cậu bé bảo cậu rằng- mẹ sẽ cắt trọc tóc của con đi vậy, nếu con sợ gội đầu đến thế”. Con nghĩ sao, liệu cậu bé có đồng ý không nhỉ, mẹ con mình thử cùng nhau nghĩ xem điều gì xảy ra với cậu ấy nhé?”
  3. Dùng búp bê làm ví dụ để thử nghiệm: Ví dụ bạn có thể cùng con chơi trò chơi bệnh viện hoặc nhà trẻ, dùng búp bê làm nhân vật chính. Bạn có thể bảo con “Búp bê của con sẽ là một cô (cậu) bé dũng cảm, còn búp bê của mẹ thì là cô (cậu) bé nhút nhát nhé!”. Và thế là con búp bê trong tay bạn sẽ gào khóc, bỏ chạy, xử sự rất ngốc nghếch. Cục cưng của bạn sẽ khoái chí cười và điều khiển búp bê của mình có những hành động dũng cảm, bình tĩnh, không sợ đau khi bị tiêm, sung sướng đi nhà trẻ, thậm chí còn tìm được những lý lẽ để động viên, thuyết phục bạn búp bê nhút nhát.
  4. Thành thật + trò chơi: Khi bố mẹ thành thật với con mình, có nghĩa là họ tôn trọng con. Sự thành thật của bố mẹ giáo dục tính cách thành thật của con mình trong tương lai, vì trẻ em bao giờ cũng bắt chước những hành động, cách ứng xử của bố mẹ mình. Nhưng thành thật không có nghĩa là nghiêm túc một cách thái quá để không còn chỗ cho trò chơi. Ví dụ khi gội đầu cho con, bố mẹ có thể hài hước tạo nên các kiểu đầu khác nhau bằng bọt xà phòng, để bé cảm thấy vui vẻ mà quên đi sự sợ hãi của việc gội đầu.

ROSE NGUYỄN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *