Những năm gần đây, với sự năng động, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của đồng bào dân tộc, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình đã có nhiều đổi mới trong phát triển kinh tế – xã hội.
Cách Thủ đô Hà Nội khoảng 110km, Tân Lạc có điều kiện thời tiết lý tưởng cùng cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hấp dẫn chờ du khách khám phá. Điều kiện địa hình đa dạng, chủ yếu là những dãy núi đá vôi có độ cao từ 150 – 1.100m so với mực nước biển.
Tân Lạc sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh độc đáo như động Nam Sơn, vịnh Ngòi Hoa, núi Cột Cờ, hang Muối, động Mường Chiềng, hang Bưng, động Thác Bờ, động Hoa Tiên… Ngày 17/10/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TU về xây dựng các xã vùng cao huyện Tân Lạc trở thành khu du lịch cấp tỉnh vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tân Lạc có tới 84,5% dân số là người Mường. Nơi đây còn được biết đến như là vùng “lõi” của cái nôi văn hóa Hòa Bình bởi đến nay còn giữ được nét đặc sắc riêng có của văn hóa Mường như những áng mo Mường bất hủ với áng sử thi “Đẻ đất, đẻ nước”, các làn điệu dân ca Thường đang, Bộ mẹng, ví đúm, tục ngữ… Cùng với đó là phong tục tập quán và các lễ hội đặc sắc như hội Đooc Moong, hội xuống đồng, lễ cơm mới, lễ rửa lá lúa…
Sở hữu 19 danh lam thắng cảnh, di tích khảo cổ cùng lợi thế về cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa dân tộc Mường đặc sắc, Tân Lạc thu hút nhiều doanh nghiệp quan tâm, triển khai đầu tư, tập trung vào lĩnh vực du lịch.
Các nhà đầu tư đến Tân Lạc với nhiều dự án lớn, điển hình như: Dự án khu nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái hồ Hòa Bình diện tích 304,9 ha, vốn đăng ký 800 tỷ đồng; Dự án khu du lịch sinh thái Ngòi Hoa diện tích trên 115 ha, vốn đăng ký khoảng 475 tỷ đồng; Dự án khu du lịch sinh thái V’Star – Ngòi Hoa diện tích gần 184 ha, vốn đăng ký 125 tỷ đồng…
Những năm qua, huyện Tân Lạc luôn quan tâm phát triển kết cấu hạ tầng giao thông được triển khai đầu tư, tu sửa, nâng cấp như: tuyến tỉnh lộ 440 nối quốc lộ 6 (tại ngã ba chợ Lồ) với các xã vùng cao; đường liên huyện vùng cao Lạc Sơn đi Tân Lạc; đường 312A kết nối các xã vùng cao huyện Tân Lạc với huyện Mai Châu và huyện Bá Thước (Thanh Hóa); nâng cấp, bê tông hóa các tuyến đường liên xã, liên thôn.
Thực hiện Đề án xây dựng các xã vùng cao huyện Tân Lạc trở thành khu du lịch cấp tỉnh vào năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, huyện tập trung đầu tư một số điểm du lịch cộng đồng tại 3 xã vùng cao: Vân Sơn, Quyết Chiến, Ngổ Luông.
Để thực hiện hiệu quả đề án, khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch các xã vùng cao, huyện đề ra nhiệm vụ, giải pháp: Đổi mới mạnh mẽ tư duy, nhận thức của các cấp, các ngành, địa phương về hiệu quả của phát triển du lịch đối với phát triển KT-XH trên địa bàn; có chính sách, cơ chế thích hợp nhằm khuyến khích, thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển du lịch các xã vùng cao; tập trung huy động nguồn lực, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch; đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá, phát triển sản phẩm du lịch; phát triển nguồn nhân lực du lịch; bảo vệ tài nguyên – môi trường…
Để tiếp tục cải thiện và nâng cao đời sống đồng bào dân tộc, Tân Lạc đang tăng cường thu hút đầu tư, quảng bá hình ảnh, kêu gọi những doanh nghiệp có thực lực đến triển khai các dự án du lịch, trong đó có du lịch văn hóa cộng đồng tại những khu vực lợi thế như hồ Hòa Bình, các xã vùng cao…