Ăn nhiều về số lượng nhưng chưa đảm bảo chất lượng dinh dưỡng
Theo Chuyên gia – BS.CKI. Phan Thị Hiền Thu, Nguyên Trưởng khoa Truyền thông GDSK Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM: Một trong những nguyên nhân quan trọng gây ra tình trạng trẻ ăn nhiều mà không tăng cân là việc cung cấp thức ăn nhiều nhưng chưa cân đối, chưa đảm bảo chất lượng dinh dưỡng.
Ví dụ, để tăng cân, trẻ cần bổ sung đủ 4 nhóm chất chính, bao gồm: tinh bột (cơm, phở, mì, nui,…), đạm (thịt, cá, trứng sữa …), rau củ và chất béo tốt. Với trẻ đang trong độ tuổi ăn dặm, khi phụ huynh cho trẻ tập phương pháp Ăn Dặm Tự Chỉ Huy (BLW), trẻ sẽ có xu hướng chọn ăn những món mình thích, đặc biệt là các thực phẩm rau, củ, trái cây,… bởi những món này tương đối dễ ăn. Tuy nhiên, đó cũng là các thực phẩm ít năng lượng nhất trong 4 nhóm dưỡng chất chính.
Tương tự, với phương pháp Ăn Dặm Truyền Thống, tuy lượng cháo trẻ ăn khá nhiều nhưng đây cũng là một trong những thực phẩm cung cấp ít năng lượng. Lý giải điều này, bác sĩ Thu cho biết năng lượng từ cháo, củ không cao, các nhóm chất như đạm, chất béo bị thiếu hụt, từ đó sẽ không đảm bảo chất lượng dinh dưỡng trong bữa ăn.
Ngoài ra, những trẻ có khả năng ăn nhiều thường có khuynh hướng được giảm hoặc cắt bớt các bữa sữa trong ngày, từ đó khiến trẻ không hấp thụ đủ các chất dinh dưỡng cần thiết.
Giải pháp: Phụ huynh hãy điều chỉnh một thực đơn cân đối 4 nhóm chất với nhiều loại thức ăn khác nhau, gồm thịt, cá, hạt, rau cải, và trái cây trong bữa ăn hàng ngày của trẻ để đảm bảo trẻ nhận đủ dinh dưỡng cần thiết.
Trẻ dễ gặp bệnh vặt
Khi trẻ bị bệnh vặt thường xuyên, vi khuẩn sẽ sử dụng nguồn năng lượng đó của trẻ, từ đó làm tiêu hoa phần nào các chất dinh dưỡng, khiến bé giảm thèm ăn và giảm cân nhanh chóng.
Giải pháp: Phụ huynh đảm bảo trẻ được tiêm phòng và tuân thủ lịch sổ giun định kỳ để ngăn ngừa các bệnh vặt. Chú ý bảo vệ trẻ kỹ càng khi điều kiện thời tiết thay đổi và vệ sinh cá nhân sạch sẽ hằng ngày.
Trẻ chưa được sổ giun định kỳ đầy đủ
Chuyên gia – BS.CKI. Phan Thị Hiền Thu cho biết: Từ thời điểm có thể bò hay cầm nắm các vật dụng, trẻ có khả năng bị nhiễm khuẩn nhiều hơn từ môi trường xung quanh. Bên cạnh đó, các thực phẩm trẻ ăn vào trong thời gian ăn dặm cũng có thể khiến trẻ bị nhiễm khuẩn, giun sán,…
Theo thông thường, trẻ đúng 2 tuổi mới cần sổ giun. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường hợp trẻ mới 1 tuổi đã phát hiện rõ dấu hiệu nhiễm giun sán, giun kim sau khi đến thăm khám với bác sĩ. Phụ huynh có thể nhận biết trẻ bị nhiễm giun sán thông qua các dấu hiệu như: quấy khóc nhiều vào ban đêm, hay nghiến răng khi ngủ,… Sự hiện diện của giun sán trong cơ thể trẻ có thể gây ra nhiều vấn đề, bao gồm mất cân nhanh chóng và suy dinh dưỡng.
Giải pháp: Phụ huynh cần theo dõi trẻ kĩ càng và đưa đi tham khám ngay khi nhận thấy có dấu hiệu giun sáng. Đảm bảo trẻ được sổ giun định kỳ và đầy đủ theo hướng dẫn của bác sĩ.
Trẻ hiếu động, tiêu hao nhiều năng lượng
Một nguyên nhân khác khiến trẻ ăn nhiều, ăn khỏe vẫn không tăng cân có thể là do trẻ tiêu hao quá nhiều năng lượng trong một ngày, dẫn đến những bé này sẽ cần hấp thu một lượng calo nhiều hơn thông qua thức ăn.
Giải pháp: Phụ huynh đảm bảo cung cấp đủ lượng calo tùy vào cơ địa để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của mỗi trẻ.
Tình trạng trẻ ăn nhiều nhưng không tăng cân có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau. Để giải quyết vấn đề này, phụ huynh cần đảm bảo rằng trẻ được cung cấp một nguồn dưỡng chất đầy đủ và cân đối, được sổ giun định kỳ và theo dõi kĩ càng các dấu hiệu bệnh vặt, nhiễm khuẩn. Khi lo lắng về tình trạng cân nặng của trẻ, hãy thảo luận với bác sĩ để được hỗ trợ và hướng dẫn phù hợp.