Tạp chí Mẹ và Bé – Bây giờ, chuyện uống bia là rất đỗi thường tình nhất là những khi trời nóng nực như thế này. Bia có nhiều loại nên cũng dễ lựa chọn. Nhưng đấy là nơi thành phố. Nơi, mà ở không ít nhà hàng quán nhậu hay ở những cuộc chiêu đãi, tiệc tùng ngập tràn những loại bia đắt tiền như Tiger, Heineken… có những cuộc nhậu vừa uống vừa đổ tháo thì ngược lại ở nông thôn, bia vẫn còn có giá lắm. Nhất là ở một vùng núi xa xôi như chỗ tôi sắp nhắc tới đây. Ở đó, chai bia chỉ thấy ở những bữa giỗ, đám cưới của người giàu. Mà cao lắm cũng chỉ là bia chai Sài Gòn…
Đó là một chàng trai nhà quê chính hiệu và rất giỏi giang. Vẫn còn đi học nhưng buông bút vở là lo chuyện ruộng vườn, cắt hái, ghe sông lưới mành kiếm mớ cá, con cua phụ gia đình. Thương con, sau những buổi chợ bán đồ của nhà kiếm được, người mẹ thường giấu đút cho chàng trai ít đồng và mười lần đủ chục, cậu nhỏ chỉ mua cặp bia xách qua biếu ông nội và ông ngoại. Rồi chàng trai cũng tốt nghiệp được cấp ba và xuống thành phố học tập. Ngày rời nhà nói với mẹ cha chắc nụi: Gia đình yên tâm, con sẽ tự lo được. Và quả đúng như vậy, cậu làm đủ thứ công chuyện ở dưới này, như: sửa điện, bưng dọn trong nhà hàng, rửa ly ở quán cà phê… để kiếm miếng ăn và những chi phí học tập. Lần nào về quê thăm cũng có quà cho các em và chưa bao giờ thiếu hai cặp bia để biếu ông nội và ông ngoại. Lý giải về chuyện “tăng đô” cho ông, cậu ngập ngừng: “Mình có tiền đỡ hơn thì mua đỡ hơn. Thì cứ mua để đó rồi ông từ từ uống. Mắc gì…”. Chừng đi, bao giờ cũng xin mẹ ít rau củ vườn nhà vì dưới phố mắc quá.
Tôi có ý nghĩ chai bia biếu ấy là loại bia số một trên hoàn cầu. Cái ngon của nó là vô giá mà bất cứ một người cha, mẹ, ông bà nào cũng ao ước được uống thử. Còn hai người ông của cậu nhỏ nơi một cái xã đìu hiu, khó khổ của huyện Vĩnh Thạnh thì chắc là được thưởng thức dài dài. Tôi có biết tên của chàng trai ấy. Một học sinh khoa điện của trường Cao đẳng nghề Quy Nhơn nhưng thích được kêu là: chàng trai của những cặp bia.
Phương Quỳnh