Tạp chí Mẹ và Bé – Bếp – trái tim của nhà bạn. Vì vậy vô cùng quan trọng để bếp trở thành một nơi an toàn cho sức khoẻ, đặc biệt cho trẻ nhỏ, vốn có sức đề kháng kém hơn người lớn. Chúng ta vẫn dọn dẹp bếp hằng ngày cơ mà!? Bạn sẽ thắc mắc. Nhưng vấn đề là ở chất lượng của việc dọn dẹp. Các nhà khoa học đã tiến hành nghiên cứu vi khuẩn vi trùng trên diện rộng và họ đã phát hiện được gì? Hoá ra, số lượng vi khuẩn trên bề mặt bàn nấu ăn, thớt, bồn rửa bát còn nhiều hơn trên nền nhà, trong phòng vệ sinh và bồn cầu đấy bạn ạ. Ngạc nhiên chưa?
Nguồn lây lan vi trùng, vi khuẩn là những miếng rửa bát và các loại khăn chúng ta lau bàn. Thớt chiếm vị trí thứ hai. Vị trí thứ ba là ống nghe điện thoại, tay nắm cửa và các cánh cửa tủ bếp.
Phải làm gì?
Tổng vệ sinh! Tất nhiên, việc này không thừa. Nhưng để giữ sạch sẽ và vệ sinh thường xuyên cần tuân thủ theo một số quy tắc.
· Luôn luôn rửa tay trước và sau khi nấu ăn. Quy tắc thật đơn giản, nhưng trên thực tế không được tuân thủ thường xuyên.
· Cần có thớt riêng cho từng loại thực phẩm: rau quả, bánh mì, thịt và cá. Thật đáng tiếc các bà nội trợ hiếm khi tuân thủ quy tắc đơn giản này. Khi bạn đặt miếng thịt luộc lên thớt dùng cho tất cả mọi thứ, vi khuẩn có thể xâm nhập, thịt sẽ mau hỏng. Còn thịt gà vịt tươi và cá tươi có thể là nguồn gốc của những bệnh nguy hiểm. Tốt nhất sau khi chặt thịt tươi nên tráng thớt bằng nước sôi.
· Nếu có khả năng hãy sử dụng những khăn bếp dùng một lần. Chúng thức hiện chức năng lau sạch, cùng với vi khuẩn sẽ rơi vào thùng rác. Nếu không nên thay miếng rửa bát và khăn lau bàn thường xuyên hơn.
Cần tuân thủ quy tắc
Tuy nhiên những nguy hiểm ở bếp không chỉ nằm trong các xoong nồi và bát đũa. Bé vẫn chưa hiểu cái nồi canh nóng, chén trà nóng, bàn là (bàn ủi) vì sao lại nguy hiểm. Vì vậy bạn chú ý tới vấn đề an toàn trong không gian bếp. Và đừng nghĩ rằng thảm kịch chỉ xảy ra ở những gia đình không có ai trông nom trẻ.
Để tai họa không xảy ra:
· Khi nấu ăn, quay tay cầm xoong chảo vào phía trong.
· Khi đang nấu ăn không được bế bé trên tay, dù bé có đòi bế – những giọt dầu hay giọt nước nóng có thể bắn vào da bé.
· Khi mở cửa lò nướng phải chắc chắn không có bé bên cạnh.
· Không được mất cảnh giác: các em bé hay thích kéo khăn bàn hoặc lôi các loại dây – vì thật thú vị, phía bên kia là cái gì nhỉ? Bé có thể kéo rơi lên mình ấm điện hoặc cốc trà nóng mới pha.
· Nếu bạn uống đồ nóng (trà, cacao, càphê) không bao giờ vừa uống vừa bế con. Chỉ cần một sơ ý nhỏ – bé sẽ bị bỏng nặng.Bạn muốn ngồi nghỉ uống trà – hãy chọn lúc bé ngủ.
· Hãy mua những khóa chốt cho cửa tủ bếp và lò nướng, còn cho bếp ga thì nên đặt màn hình bảo vệ.
· Không được để đồ điện lung tung: những chiếc bàn là (bàn ủi) chưa kịp nguội sẽ gây tai họa cho trẻ.
Nếu xảy ra tai họa
· Khi bị bỏng điều trước hết phải ngăn chặn ngay ảnh hưởng chiều sâu của vết bỏng. Vì vậy cần làm lạnh vết bỏng. Tưới nước lạnh vào hoặc đặt vào vết bỏng một vật lạnh nào đó. Có thể dùng đá để chườm, nhưng cần bọc vải xô trước.
· Băng vết bỏng bằng băng được khử trùng. Đừng chọc vết phồng, đừng cắt phần da thừa, bạn có thể làm bé bị nhiễm trùng. Những biến chứng do nhiễm trùng còn nguy hiểm hơn cả vết bỏng. Những phương pháp chữa trị dân gian kiểu như dùng dầu thực vật, bơ, lòng trắng trứng, kem đánh răng, xà phòng sẽ “đẩy” vết bỏng vào sâu hơn nữa, gây khó chữa trị.
Bạn thấy đấy, ở bếp có thể xảy ra bất kỳ chuyện gì. Vì vậy cần chăm lo cho sự an toàn của bé từng giây từng phút. Hãy để cho bếp của bạn thành một nơi an toàn nhất trong nhà!